BÀI 17: BÍ MẬT THỨ BA FATIMA ĐANG ỨNG NGHIỆM?
Để kiểm chứng xem Bí Mật Thứ Ba Fatima có đang được ứng nghiệm hay không, ta cần phải biết Bí Mật ấy đã nói gì.
Trong bài 1 có nhắc đến bài suy tư “Việc Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI Từ Nhiệm Là Một Sứ Điệp Của Năm Đức Tin”của Đức GM Bùi Tuần. Đức GM Bùi Tuần đã kết thúc bài suy tư của mình với những lời này: “Bất ngờ tiếp nối bất ngờ. Sứ điệp trong sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mới chỉ là khởi đầu. Ở đây, tôi nhớ tới những khủng khiếp, mà Đức Mẹ đã tiên báo ở Fatima.”
“Những khủng khiếp mà Đức Mẹ đã tiên báo ở Fatima” là gì?
Ngày 13/7/1917, trong lần hiện ra với ba trẻ chăn chiên là Lucia dos Santos, Jacinta và Francisco ở Fatima, Bồ Đào Nha, Đức Mẹ đã mạc khải cho ba trẻ một sứ điệp ngôn sứ gồm ba phần. Nội dung của ba phần này làm nên ba bí mật Fatima. Theo yêu cầu của Đức Cha Jose Alves Correia Da Silva, GM Giáo Phận Leiria, nội dung của bí mật thứ nhất và thứ hai đã được công bố năm 1941 với sự xác nhận của chị Lucia. Bí mật thứ nhất là Thị Kiến khủng khiếp về Hoả Ngục. Bí mật thứ hai liên quan đến sự trỗi dậy của nước Nga Sô Cộng Sản và lệnh Đức Mẹ truyền phải thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ.
Lệnh truyền phải thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ tính cho đến nay, không hiểu vì lý do gì, vẫn chưa thực sự được thực thi. Nói thế là bởi vì các Giáo Hoàng đã nhiều lần thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, nhưng chưa một lần nào thánh hiến nước Nga.
Đức Pio XII đã hai lần thánh hiến thế giới cho Trái Tim Mẹ Vô Nhiễm Mẹ. Lần thứ nhất vào Tháng 10 năm 1942, lúc cao điểm của thế chiến 2, và lần thứ hai vào khoảng giữa năm 1952, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên đang leo thang dữ dội. Mặc dầu tên nước Nga có được Đức Pio XII nhắc đến trong lần thánh hiến thế giới lần thứ 2 năm 1952, lần trước thì không hề nhắc đến nước Nga, nhưng đây không được coi là việc thánh hiến mà Đức Mẹ muốn. Theo theo lời chị Lucia nói với giáo sư William T. Walsh ngày 15/7/1946 và Cha Umberto Maria Pasquale SDB, Đức Mẹ không yêu cầu việc thánh hiến thế giới. Điều Đức Mẹ đòi hỏi là việc thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Mẹ và việc thánh hiến này phải được thực hiện trong sự hiệp thông tham dự của tất cả các giám mục trên toàn thế giới.
Đến thời Đức Gioan XXIII và Công Đồng Vatican II, để được Điện Kremlin cho phép 2 đại diện Chính Thống Giáo đến dự CĐ Vatican II, Vatican đồng ý sẽ không lên án Sô Viết Cộng Sản hoặc nhắc đến Cộng Sản nói chung tại CĐ. Từ quyết định này của Vatican, chính sách Ostpolitik đã ra đời. Theo Ostpolitik, từ nay Vatican chính thức thay đổi quan điểm đối với khối cộng sản Sô Viết và Đông Âu: từ đối đầu kết án sang hoà bình đối thoại. Trong bối cảnh đó, việc thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Mẹ đã biến khỏi nghị trình của Vatican suốt hai thập kỷ sau đó.
Sang thời Đức Gioan Phaolô II, cũng đã có 3 lần thánh hiến thế giới cho Trái Tim Mẹ. Lần một vào ngày 7/7/1981, lần 2 vào ngày 25/3/1984 và lần cuối vào tháng 10 năm 2000, nhân dịp năm thánh giám mục. Nhưng đó không phải là việc thánh hiến mà Đức Mẹ yêu cầu.
Gần đây nhất là vào ngày 13/10/2013, Đức Phaxico I cũng đã thánh hiến thế giới cho Trái Tim Mẹ.
Tất cả những lần thánh hiến trên đều là việc thánh hiến thế giới chứ không phải thánh hiến cụ thể một mình nước Nga với sự hiệp thông tham dự của tất cả các giám mục trên thế giới như ý Đức Mẹ muốn. Tại sao lại có sự lẫn nữa trì hoãn như vậy của Vatican? Theo tạp chí Inside the Vatican tháng 11 năm 2000, một Hồng Y được coi là một trong các cố vấn thân cận nhất của Đức Gioan Phaolô II đã thừa nhận rằng, Đức Thánh Cha đã được khuyến cáo không thánh hiến nước Nga vì e ngại sẽ làm tổn thương Giáo Hội Chính Thống Nga. Điều này càng khẳng định thêm rằng chính chính sách Ostpolitik và Ecumenism đã ngăn cản việc thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ.
Còn Bí Mật Thứ Ba thì sao? Mặc dù được Đức GM Silva thỉnh cầu, chị Lucia nhất định không chịu tỏ lộ. Hỏi lý do tại sao không thể tỏ lộ bây giờ, chị Lucia trả lời đó là do ý Đức Mẹ muốn như vậy. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Đức GM Silva và dưới sự hướng dẫn của Đức Mẹ, ngày 2/1/1944, chị Lucia đã viết nội dung Bí Mật Thứ Ba Fatima ra giấy, niêm phong lại rồi trao cho Đức GM Silva kèm theo điều kiện rằng, bí mật này phải được phải được công bố cho toàn thể tín hữu vào năm 1960 hoặc vào thời điểm chị Lucia qua đời vì đó là ý muốn của Đức Mẹ. Nếu Đức GM Silva qua đời trước thời điểm đó, thì bí mật sẽ được ký thác cho Đức Hồng Y Thượng Phụ Lisbon. Bất chấp giao ước này của chị Lucia, Bí Mật Thứ Ba Fatima, bằng cách nào đó, đã được trao cho Vatican và giữ kín suốt hơn 50 năm sau đó.
Năm 1946, khi được hỏi khi nào thì Bí Mật Thứ Ba sẽ được công bố, chị Lucia trả lời không chút lưỡng lự, năm 1960. Năm 1955, Đức HY. Ottaviani đã hỏi chị Lucia, tại sao không thể mở bí mật trước năm 1960? Chị Lucia trả lời, Bí Mật Thứ Ba chỉ được mở vào năm 1960 vì thời điểm đó ý nghĩa của bí mật sẽ rõ ràng hơn.
Năm 1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đọc Bí Mật Thứ Ba nhưng ngài đã từ chối công bố nội dung của bí mật. Từ đó làm nảy sinh nhiều lời bàn tán và phỏng đoán về nội dung của Bí Mật Thứ Ba.
Tháng 11năm 1984, trong cuộc trả lời phỏng vấn do tạp chí Jesus Magazine thực hiện, Đức HY. Joseph Ratzinger, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã thừa nhận rằng, được phép của Giáo Hoàng, ngài đã được đọc Bí Mật Thứ Ba Fatima. Nội dung bí mật nói về những nguy cơ đang đe doạ đức tin và đời sống của các Kitô hữu và của toàn thế giới, cũng như về tầm quan trọng của những thời kỳ cuối. Ngài cho biết, sở dĩ Bí Mật Thứ Ba bị giữ im lờ đi từ năm 1960 là để tránh làm lẫn lộn lời ngôn sứ với chủ nghĩa cảm tính! Ngài cũng hé mở thêm rằng, những điều chứa đựng trong Bí Mật Thứ Ba phản ánh những điều đã được loan báo trong Kinh Thánh và được xác nhận bởi nhiều cuộc hiện ra khác của Đức Mẹ.
Sau bao khắc khoải đợi chờ, ngày 26/6/2000, Vatican cuối cùng cũng đã công khai Bí Mật Thứ Ba Fatima cho mọi người biết. Sau đây là phỏng dịch nội dung Bí Mật Thứ Ba Fatima[1]:
Lạy Chúa, con viết trong sự vâng phục Chúa, Đấng truyền lệnh cho con qua Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria cũng như qua Mẹ Rất Thánh của Chúa và của con.
Sau hai phần mà con đã giải thích, ở phía trái Đức Mẹ và bên trên một chút, chúng con đã thấy một một vị Thiên Thần với thanh gươm phừng cháy trên tay trái của ngài, nó loé sáng và phụt ra những ngọn lửa như thể sắp đốt cháy thế giới; nhưng rồi chúng tắt ngúm khi chạm phải ánh quang toả ra từ tay hữu Đức Mẹ hướng về phía ngài; với tay hữu chỉ xuống địa cầu Thiên Thần kêu lớn tiếng: Sám hối, Sám hối, Sám hối! Và chúng con đã thấy một vầng sáng lớn lao là Thiên Chúa: một điều gì đó tương tự như thể người ta xuất hiện trong gương khi họ đi qua trước nó, một vị Giám mặc Áo Trắng mà chúng con có cảm tưởng đó là Đức Thánh Cha. Các vị Giám Mục khác, các Linh Mục, các Tu Sĩ nam nữ, đang leo lên một ngọn núi dốc đứng, trên đỉnh núi có có một cây Thập Giá lớn xù xì như thể thân cây bần còn nguyên vỏ; trước khi tới đó, Đức Thánh Cha đã đi qua một thành phố lớn phân nửa trong đổ nát và phân nửa đang rung chuyển, bị tác động bởi đau đớn và sầu khổ, ngài đã cầu nguyện cho các linh hồn của các thi thể mà ngài đã gặp trên đường; khi đã lên đến đỉnh núi, đang khi quỳ dưới chân cây Thập Giá lớn, ngài đã bị một toán lính sát hại bởi những viên đạn và mũi tên chúng bắn vào ngài, và theo cùng một cách như thế, các Giám Mục khác, các Linh Mục, các nam nữ Tu Sĩ và giáo dân thuộc các địa vị và chức vụ khác nhau cũng bị giết. Bên dưới hai cánh tay của Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trên tay một chén bằng pha lê đưa lên hứng máu của các vị Tử Đạo rồi rẩy trên các linh hồn đang trên đường đến với Thiên Chúa.
Trên đây là nguyên văn Bí Mật Thứ Ba Fatima mà Vatican đã công bố. Nội dung bí mật như vậy đã khiến cho nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng, thất vọng. Tưởng là chuyện động trời gì chứ, nếu chỉ có như vậy thì có gì đáng để gọi là một mật mà mọi người phải chờ đợi lâu như vậy!
Thật vậy, khi đọc tài liệu công bố về Bí Mật Fatima của Vatican, ta thấy rõ chủ đích của Vatican là muốn nhắn nhủ mọi người rằng: những điều được nói đến trong bí mật Fatima thì không có gì là mới mẻ bởi chúng đã được nhắc đến trong Kinh Thánh. Bí mật cung cấp cho chúng ta niềm tin vào sự toàn thắng cuối cùng của sự thiện trên sự ác. Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ toàn thắng. Chúa Giêsu cũng đã nói, trong thế gian anh em sẽ phải gian nan vất vả, nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,33). Sứ điệp Fatima mời gọi chúng tín tưởng vào lời hứa này của Chúa Giêsu![2]
Bất chấp việc Vatican đã công bố Bí Mật Thứ Ba kèm theo những lời xoa dịu trấn an dư luận, việc bàn tán về nội dung thật sự của Bí Mật Thứ Ba vẫn tiếp tục cho đến nay. Có những người lên tiếng cáo buộc Vatican đã cố tình che đậy nội dung thật của Bí Mật và khẳng định nội dung Bí Mật như được công bố chỉ là giả tạo, không phải là những lời thật sự của Đức Mẹ đã nói với chị Lucia. Họ đã gửi lời thách thức đối chất với Bộ Giáo Lý Đức Tin nhưng đến nay, Bộ này vẫn giữ im lặng! Cha Paul Kramer đã chứng minh rằng, thủ bản của Bí Mật Thứ Ba mà Vatican công bố là giả mạo. Thủ bản của Vatican có những đặc điểm này: dài 4 trang, 62 dòng, được viết theo định dạng notebook không địa chỉ và chữ ký, trang viết không có lề... Trong khi đó thủ bản do chị Lucia để lại có các đặc điểm là: chỉ có 1 trang, khoảng 23-26 dòng, viết theo định dạng lá thư có ghi địa chỉ và ký tên, trang viết có lề khoảng 1cm mỗi bên. Cũng theo cha Kramer cho biết, trong cuộc họp báo ngày 11/2/1967 tại Học Viện Maria ở Roma, Đức HY. Ottaviani, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin khi đó, đã chứng thực rằng, ngài đã được đọc Bí Mật Thứ Ba Fatima và nó được viết trong 1 trang mà thôi.[3]
Vậy đâu là nội dung thực sự của Bí Mật Thứ Ba Fatima?
Tháng 3 năm 1990, Đức Hồng Y Silvio Oddi xác nhận điều mà ngài và nhiều người khác tin rằng, trong Bí Mật Thứ Ba, Đức Mẹ đã cảnh báo chúng ta về một cuộc phản bội đức tin –apostasy – sắp xảy đến trong Giáo Hội và việc Đức Mẹ truyền phải công bố Bí Mật vào năm 1960 cho thấy rằng Bí Mật này có liên quan đến việc triệu CĐ Vatican II.
Theo Cha Joachin Alonso, một chuyên gia sưu tầm lưu chữ về Bí Mật Fatima, đã đúc kết nội dung Bí Mật Thứ Ba Fatima qua tác phẩm cùng tên của ngài rằng: Ma quỷ đã thành công trong việc đưa sự xấu vào trong Giáo Hội dưới vỏ bọc sự tốt và kẻ mù loà bắt đầu dẫn đường cho mọi người.
Theo chứng từ đáng tin cậy của Thày Michel Dòng Chúa Ba Ngôi (Frere Michel de la Sainté Trinité), người đã được tiếp xúc trực tiếp với chị Lucia và dày công nghiên cứu về Bí Mật Fatima, nội dung căn bản của Bí Mật Thứ Ba là:
Trong khi đức tin ở Bồ Đào Nha sẽ luôn luôn được gìn giữ, thì đức tin ở nhiều quốc gia, có lẽ là hầu hết trên thế giới sẽ biến mất. Các mục tử trong Giáo Hội sẽ xao nhãng nặng nề trong bổn phận của họ. Do lỗi lầm của họ, một số lớn linh hồn các người thánh hiến và tín hữu sẽ mặc cho họ bị lôi kéo bởi những lầm lạc nguy hại tràn lan khắp nơi. Đây sẽ là thời gian của cuộc chiến quyết định giữa Đức Trinh Nữ và ma quỷ. Một làn sóng lệch lạc nguy hại sẽ lật nhào thế giới. Satan sẽ xâm nhập vào thượng tầng cao nhất của Giáo Hội. Hắn sẽ khiến cho các mục tử trở nên mù loà trong trí khôn và cứng cỏi trong con tim. Và Thiên Chúa sẽ bỏ mặc họ coi đó như là một sự trừng phạt vì đã khước từ không vâng theo những đòi hỏi của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Đây sẽ là cuộc phản bội đức tin đã được tiên báo của thời kỳ cuối; Con Chiên Giả và Ngôn Sứ Giả sẽ phản bội Giáo Hội vì lợi ích của Con Thú, như đã nói trong Sách Khải Huyền.
Nội dung chính của Bí Mật Thứ Ba trên đây hoàn toàn phù hợp với cảnh báo trước đó của Đức Mẹ tại La Salette cũng như lời hé mở bật mí sau này của Mẹ tại Akita, Nhật Bản. Trước Fatima, ngày 19/9/1946, khi hiện ra tại La Sallette, Pháp, Đức Mẹ đã đưa ra lời cảnh báo kinh ngạc: “Rôma sẽ mất đức tin va trở thành ngai toà của tên Phản Kitô”. Sau Fatima, ngày 13/10/1973, trong lần hiện ra với Sơ Agnes Sasagawa tại Nhật Bản, Đức Mẹ đã ban cho Sơ Sasagawa những lời như muốn giải thích và làm sáng tỏ hơn điều Mẹ đã nói trong Bí Mật Thứ Ba Fatima. Sứ điệp tại Akita, sau 8 năm điều tra cẩn thận của Đức Giám Mục John Ito với việc tham vấn Toà Thánh và Bộ Giáo Lý Đức Tin do Đức HY. Joseph Ratzinger đứng đầu, đã được Bộ Giáo Lý Đức Tin Cộng nhận ngày 22/4/1984. Đức GM Ito cho biết, chính Đức HY. Ratzinger, người đã được đọc Bí Mật Thứ Ba Fatima, đã xác nhận rằng, về căn bản, sứ điệp Akita và sứ điệp của Bí Mật Thứ Ba là một, sứ điệp Akita là sự nối dài của sứ điệp Fatima. Và đây là những lời đáng suy ngẫm Đức Mẹ đã ban cho Sơ Sasagawa ngày 13/10/1973: “…Công trình của ma quỷ sẽ xâm nhập vào trong Giáo Hội theo một cách thức mà người ta sẽ thấy các hồng y chống lại các hồng y, các giám mục chống lại các giám mục. Các linh mục tôn kính ta sẽ bị chế nhạo và chống lại bởi chính các anh em linh mục của họ. Các nhà thờ và bàn thờ sẽ bị phá hoại, Giáo Hội sẽ đầy rẫy những kẻ thỏa hiệp và ma quỷ sẽ hối thúc các linh mục và các linh hỗn thánh hiến từ bỏ việc phục vụ Chúa…”
Đến đây ta thấy có sự mâu thuẫn về nội dung của Bí Mật Thứ Ba. Bí Mật do Vatican công bố có nội dung không giống với nội dung Bí Mật mà Đức HY. Oddi và nhiều người khác (tạm gọi Bí Mật trong dân gian) vẫn xác tín. Bí Mật do Vatican công bố nói về việc sám hối và bách hại Kitô hữu. Còn Bí Mật trong dân gian nói về việc phản bội đức tin và việc Satan sẽ xâm nhập vào Giáo Hội. Tin theo bên nào đây? Trước tiên, ta hãy làm một cuộc so sánh đã:
So sánh | Bí Mật Vatican Công Bố | Bí Mật trong dân gian |
Nội dung chính | - Sám hối. - Kitô hữu bị bách hại (hình ảnh các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bị giết) | - Sự phản bội đức tin, apostasy, diễn ra trong Giáo Hội. - - Satan thâm nhập vào Giáo Hội và thao túng hàng giáo sĩ cấp cao. |
Nền tảng Kinh Thánh | - Có! Vì Chúa Giêsu kêu gọi sám hối ngay từ đầu sứ vụ của ngài. Ngài cũng cảnh báo rằng chúng ta sẽ bị bách hại vì danh Ngài. | - Có! Vì Chúa Giêsu, Thánh Gioan, và thánh Phaolô cũng cảnh báo về sự phản bội đức tin và sự xuất hiện của Satan và Tên Phản Kitô vào thời kỳ cuối. (xem thêm bài 1) |
Kịch tính | - Không kịch tính khiến mọi người phải giật mình ngỡ ngàng. - Không có sức tác động mạnh khiến con người phải thức tỉnh. | - Rất kịch tính, khiến người ta phải kinh ngạc. - Có khả năng thức tỉnh con người, khiến họ phải chăm chú theo dõi các biến cố đang xảy ra trong Giáo Hội. |
Mục Đích | - Có chủ ý xoa dịu và trấn dư luận hãy tin vào chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu. - Đặt dấu chấm hết cho Bí Mật. Từ nay nó chỉ còn là chuyện của dĩ vãng. | - Thức tỉnh con người ngủ mê. Cho họ biết phải làm gì để cứu linh hồn mình và sửa soạn sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. - Bí Mật nói về tương lai rất gần, nên đây là thời gian kiểm chứng những điều Bí Mật nói. |
Qua bảng đối chiếu trên, cùng với những gì Đức Mẹ đã cảnh báo ở La Sallette và Akita, có lý do chính đáng để ta tin vào nội dung Bí Mật Thứ Ba Fatima như trong dân gian vẫn tin, hơn là tin vào Bí Mật do Vatican công bố năm 2000. Chưa kể là đến nay người ta đã chứng minh rằng Vatican đã cố tình che đậy nội dung thật của Bí Mật Thứ Ba và người được giao trọng trách vụ này là Đức HY. Tarcisio Bertone. Vụ scandal này được đưa ra ánh sáng trong năm 2006-2007, sau khi nhân chứng sống của Bí Mật Thứ Ba Fatima, chị Lucia, qua đời ngày 13/2/2005. Khi thuân tiện sẽ nói cụ thể hơn về scandal này.
Đến đây, nếu tổng hợp cả 2 sứ điệp, Fatima và Akita, ta có thể đúc kết thành nội dung ngắn gọn thế này:
Sẽ có cuộc phản bội đức tin – apostasy – lớn lao xảy đến trong Giáo Hội. Satan và đồng đảng của chúng sẽ xâm nhập vào Giáo Hội để thao túng hàng giáo sĩ cấp cao. Công trình của ma quỷ sẽ xâm nhập vào trong Giáo Hội theo một cách thức mà người ta sẽ thấy là các hồng y chống lại các hồng y, các giám mục chống lại các giám mục.
Nếu chúng ta tin đây là đúng là sứ điệp của Bí Mật Thứ Ba Fatima Đức Mẹ gửi đến cho chúng ta hầu giúp chúng ta nhận biết những dấu chỉ của thời kỳ cuối, trước khi Chúa đến, chúng ta hãy dùng những lời này để soi vào đời sống Giáo Hội hôm nay xem sao. Phải chăng lời Đức Mẹ cảnh báo lại không đang ứng nghiệm đó sao?
“Công trình của ma quỷ sẽ xâm nhập vào trong Giáo Hội theo một cách thức mà người ta sẽ thấy là các hồng y chống lại các hồng y, các giám mục chống lại các giám mục.” Thật kinh ngạc! Những lời này vạch rõ những gì đang diễn ra trong Giáo Hội hôm nay. Các mũ đỏ, mũ tím đang bất đồng chống đối lẫn nhau kịch liệt, không nghe nhau, không còn tin giống nhau, người muốn trung thành tín lý và kỷ luật, kẻ muốn phá luật, người muốn tin và hành động phải đi liền với nhau, kẻ muốn tin một đàng làm một nẻo! Các mũ đỏ, mũ tím là thày dạy dân chúng mà bất đồng cha rẽ nhau giữa bàn dân thiên hạ như vậy thì đoàn chiên biết theo ai? Chuyện như vậy mà người ta vẫn đủ hồn nhiên và lạc quan để coi những chuyện bất đồng giữa các mũ đỏ, mũ tím và cả mũ trắng nữa, là những dấu hiệu lành mạnh và tích cực! Vậy khi cộng đoàn tín hữu mà đồng tâm nhất trí với nhau hẳn đó sẽ là dấu hiệu của ốm yếu và trì trệ?! Thật bi kịch! Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn![4] Các mũ đỏ, mũ tím vẫn đang công kích nhau dữ dội trên các phương tiện truyền thông.
Không biết đã từ bao giờ, người ta làm ngơ không còn để ý, phán xét phẩm chất đức tin và luân lý của các mũ đỏ, mũ tím nữa. Vậy nên họ mới cứ thoải mái tự tin rao giảng và cổ võ những thực hành trái ngược với đức tin và luật lệ của Giáo Hội. Vậy mà chẳng mấy ai chất vấn đúng sai gì với họ! Ngược lại họ còn được coi là cấp tiến và đầy lòng thương dân! (coi thêm bài 13 để rõ hơn)
Vì thế ngày hôm nay, chúng ta cảm tưởng như chuyện đức tin và luân lý cũng chẳng quan trọng bằng chuyện tiền bạc! Này nhé, bạn thử nhìn về Vatican xem. Mỗi Thánh Bộ, dù là bộ Giáo Lý Đức Tin đi nữa, cũng chỉ do một Hồng Y đứng đầu. Vậy mà riêng bộ phận kinh tế của Vatican có đến 6-7 vị Hồng Y tham gia. Như vậy đủ thấy chuyện cái bị tiền quan trọng như thế nào! Cho nên, ngày nay nếu bạn có vô tình hay hữu ý hướng dẫn người ta đi trệch đức tin và kỷ luật chút thì cũng chẳng sao! Nếu có bạn chỉ cần chữa lại rằng bạn làm như vậy là vì tình thương, rằng những gì bạn làm đều bắt nguồn từ con tim. Và điều gì đến từ con tim thì không cần lý lẽ![5] Nhưng nếu bạn có chút gì lôi thôi đến chuyện quản lý tiền bạc, thì phần chắc là người ta sẽ không để bạn yên đâu!
Một đại nạn hôm nay nữa là nguy cơ ly giáo và phân tán Giáo Hội đang hiển hiện trước mắt. Hai dấu hiệu rõ ràng của nguy cơ này đó là hiện tượng ‘giảm thiểu trung ương tập quyền’ (Decentralization of Power) và các giáo hội quốc gia ngày càng trở nên độc lập và ít lệ thuộc Vatican hơn.
Dấu hiêụ thứ nhất: Giảm thiểu trung ương tập quyền – decentralization of power. Đây là mô hình lãnh đạo của các nhà nước dân chủ và các tổ chức của con người. Theo đó quyền bính (thể hiện trong việc đưa ra các quyết định – decision making) được thực hiện với tính cách tập thể hơn là tính cách nhân người lãnh đạo. Mọi người đều được quyền lên tiếng và tham gia đóng góp ý kiến. Các quyết định đưa ra phải phản ánh được nguyện vọng của người dân. Mô hình ‘decentralization of power’ này cũng đang được đưa vào trong Giáo Hội và có vẻ đang dành được nhiều lời ca ngợi. Điều này được thể hiện qua việc người đứng đầu Giáo Hội đã lập ra nhóm G-8, nhóm 8 vị Hồng Y cố vấn, để giúp ngài thực hiện cuộc cách mạng tại Vatican. Biểu hiện nữa của ‘decentralization of power’ là người đứng đầu giáo hội rất khiêm tốn nên hiếm khi sử dụng danh xưng giáo hoàng, ngài chỉ thích được gọi và tự xưng là giám mục Rôma mà thôi! Rồi cách làm việc của Thượng HĐGMTG – Synod - về gia đình năm vừa qua và tháng 10 tới đây cũng là một thể hiện rõ nét của mô hình ‘decentralization of power’. Trước khi đưa ra những nguyên tắc hành động, Synod muốn lắng nghe ý kiến của mọi người! Chưa bao giờ người ta thấy Giáo Hội dân chủ như thế!
Thật vậy, mô hình ‘decentralization of power’ có thể là mô hình lãnh đạo tối ưu trong các tổ chức loài người, nhưng nó chưa chắc đã là hay đối với Giáo Hội, một tổ chức vừa siêu nhiên vừa trần thế, vừa thiên linh và nhân loại. Trong đó, chiều kích siêu nhiên và thiên linh của Giáo Hội chiếm phần quan trọng hơn. Quyền bính trong Giáo Hội là do bởi ơn trên, do Chúa ban cho, chứ không do lá phiếu dân bầu. Do vậy, việc áp dụng mô hình ‘decentralization of power’ vào trong Giáo Hội, nếu không có ranh giới phân định rõ ràng, có thể biến Giáo Hội trở thành một tổ chức thuần tuý con người mà thôi, một tổ chức nhân loại chuyên lo việc trần thế hơn là lo cho ơn cứu độ của con người.
Dấu hiệu thứ hai: các giáo hội quốc gia ngày càng trở nên độc lập hơn với Vatican.
Không giống như giáo hội Việt Nam luôn tự hào và được tiếng là biết vâng lời Vatican, giáo hội tại các quốc gia khác chẳng muốn nhận danh hiệu tiếng tăm đó bao giờ! Trái lại, giáo hội tại các quốc gia Âu-Mỹ-Mỹ La Tinh và cả Phi Châu nữa, từ lâu đã âm thầm hoặc công khai đi trước vượt rào khỏi niềm tin và kỷ cương của Giáo Hội, nhất là trong các vấn đề liên quan đến sự sống con người và hôn nhân gia đình
Nổi đình đám như một ngôi sao đang lên, thu hút truyền thông thế giới những ngày qua, đó là vị Hồng Y Reinhard Marx, đương kim chủ tịch HĐGM Đức. Vị HY này tuyên bố hồi cuối tháng 2 vừa qua rằng, chúng tôi không phải là một chi nhánh phụ thuộc của Rôma; rằng mỗi HĐGM phải chịu trách nhiệm cho việc săn sóc mục vụ trong bối cảnh văn hoá của họ và phải rao giảng Tin Mừng theo cách thế độc nhất của nó; rằng chúng tôi không thể chờ cho đến khi một synod chỉ ra một điều gì đó vì chúng tôi phải thi hành mục vụ hôn nhân và gia đình ở đây; rằng hầu hết các giám mục Đức ủng hộ việc cho những người đã ly dị và tái hôn được rước lễ![6]
Những lời lẽ này của vị HY người Đức có thể nói là hoàn toàn hội đủ điều kiện cho tội ly giáo cách công khai và vạ tuyệt thông tiền kết, vì đã làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Giáo Hội. Vậy mà chả thấy chuyên gia giáo luật nào thèm quan tâm. Có lẽ những chuyện này không mấy quan trọng như vừa nói ở trên. Ấy là bởi vì ngài thương các con chiên lạc quá đỗi mà thôi.
Không phải là mọi người im lặng trước phát ngôn của vị HY người Đức hết cả đâu! Một giọng nói rất nhẹ nhàng của vị HY đáng kính, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Gerhard Luwig Muelluer, đã cất lên. Ngài nói, sẽ là phản Công Giáo nếu uỷ thác chuyện tín lý cho các HĐGM.[7]
Bộc phát công khai của vị HY người Đức có thể coi là đại diện cho nhiều giáo hội địa phương tại các quốc gia Âu – Mỹ đang ngày càng trở nên độc lập và tự trị với Vatican. Họ không chỉ độc lập về phương diện quản trị, mà còn độc lập cả về phương diện tín lý, luân lý và kỷ luật nữa. Có lẽ đây mới là bi kịch thật chứ không phải là bi kịch kiểu như vị HY Tagle đã nói.
Kết Luận:
Những gì đang diễn ra trong đời sống Giáo Hội hôm nay, dường như đang ứng nghiệm Bí Mật Thứ Ba Fatima Mẹ nhắn nhủ chúng ta. Hãy xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan-phân định hầu có thể nhận ra dấu chỉ của Chúa và biết chuẩn bị sẵn sàng.
Trong thời ký hỗn mang hôm nay, có thể mượn lời của Đức Ông Klaus Gamber thốt lên khi chứng kiến cuộc cách mạng Vatican II xưa rằng: Lớn lao là tên của sự hỗn mang! Ai có thể nhìn rõ trong cảnh tăm tối này? Những người có khả năng chỉ cho chúng ta con đường đúng ở đâu? Điều chúng ta cần hôm nay là một Athanasio mới, một Basilio mới, những giám mục giống như các giám mục trong thế kỷ thứ 4, dám can đảm chống lại lạc giáo Ario trong khi hầu như cả thế giới Kitô Giáo đã quy phục lạc giáo.
Việc can đảm ta có thể làm trong thời kỳ tối sáng lẫn lộn này, là phải bảo vệ sứ điệp Fatima vì như thánh Tiến Sĩ Thiên Thần Tô-ma Aquinô dạy rằng, trong mỗi thời đại, Chúa đều gửi đến các ngôn sứ, không phải để ban cho chúng ta giáo lý mới, nhưng là để nhắc nhở chúng ta biết phải làm gì để cứu lấy linh hồn mình.
Ngôn sứ vĩ đại của thời đại chúng ta chính là Đức Mẹ Fatima. Đáng tiếc, Đức Mẹ có lẽ cũng chung số phận như các ngôn sứ thuở xưa, chẳng mấy ai thèm nghe!
Chính chị Lucia đã nói với cha Fuentes trong lần được phỏng vấn năm 1957 rằng, thưa cha, Đức Trinh Nữ Cực Thánh rất buồn sầu vì chẳng có ai, dù người tốt hay kẻ xấu, thèm để ý đến sứ điệp của Mẹ. Người tốt cứ tiếp tục con đường của họ mà chẳng đoái hoài gì đến sứ điệp của Mẹ.[8]
Lạy Mẹ Fatima! Xin cầu cho chúng con!
-----------------------------
[1] Trích tài liệu về Sứ Điệp Fatima của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngảy 26/6/2000. (nguồn: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html).
[2] Trích đoạn kết tài liệu về Sứ Điệp Fatima của Bộ Giáo Lý Đức Tin ngảy 26/6/2000. (nguồn: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html).
[3] Father Paul Kramer, The Devil’s Final Battle Our Lady’s Victory Edition, 2nd edition (Terryville, Conn.: Good Counsel Publications, 2010). 223-243 ( Trận Chiến Cuốio Cùng Của Ma Quỷ và Chiến Thắng Của Đức Mẹ)
[4] Lời vị HY. Philippine, Luis Antonio Tagle nói dịp Synod năm 2014.
[5] Lời Đức Phanxico đáp lại ý kiến chỉ trích ngài khi ngài lần đầu tiên cử hành lễ tiệc ly trong một nhà tù ở Rôma, năm 2013.
[6] http://www.ncregister.com/daily-news/german-bishops-we-are-not-just-a-subsidiary-of-rome/
[7] http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/mueller-mueller-mueller-40052/
[8] Kramer, The Devil’s Final Battle Our Lady’s Victory Edition, 294.
Linh Mục Phạm Đức Hậu
Vay la lau nay chung ta bi lua gat sao
Trả lờiXóa