Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015
Hãy tìm kiếm sự nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và khiêm nhường. Hãy tránh xa Nhân Điện, Thiền, Yoga, Bói Toán, Huyền Bí, Dâm Ô, Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Tiền Tài, Danh Vọng, Lạc Thú.

Lm Phạm Đức Hậu Bài 4: Những chuyện Xì-Căng-Đan xảy ra tại Vatican

Người đăng: Unknown | Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015|
BÀI 4: NHỮNG CHUYỆN XẢY RA TẠI VATICAN

NGHĨ GÌ VỀ NHỮNG XÌ-CĂNG-ĐAN XẢY RA Ở VATICAN

Những chuyện rùm beng xảy ra tại Vatican, trung tâm đầu não của GH Công Giáo, trong thời gần đây, đã được phơi bày trên truyền thông thế giới và mọi người đều đã biết. Tuy nhiên, tất cả những gì được hé lộ chỉ là phần nổi của một tảng băng mà thôi. Phần tảng băng chìm bên dưới còn còn to lớn khủng khiếp hơn nhiều. Xin cùng điểm qua một vài chuyện.

1. Vatileaks xì-căng-đan. 

Cái tên Vatileaks là do nói lái của chữ Wikileaks, một hãng truyền thông phi lợi nhuận chuyên cung cấp những tin tức tối mật dưới dạng nặc danh cho các ký giả.
Vụ xì căng đan này được bắt nguồn tự vụ rò rỉ tài liệu của Vatican, phơi bày những chuyện tham nhũng và những bức thư tống tiền những giáo sĩ đồng tính tại Vatican. Vụ này bị phơi bày ra ánh sáng lần đầu tiên vào cuối tháng 1 năm 2012 trên một chương trình truyền hình của Ý có tên là “Chuyện Cấm Kỵ – The Untouchable”
Những tài liệu được tiết lộ cho báo giới tại Ý những tháng sau đó đã cho thấy, có những cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ Vatican, những cáo buộc liên quan đến những gian lận tài chính và tiếp tay cho việc rửa tiền của ngân hàng Vatican, và thư nặc danh de doạ thủ tiêu Giáo Hoàng Benedicto XVI vào đầu năm 2012. Xì-căng-đan tiếp tục tăng lên mạnh mẽ vào Tháng 5 năm 2012 khi Nuzzi xuất bản cuốn sách có tựa đề “Những Tài Liệu Mật Của Giáo Hoàng Benedictô XVI – His Holyness: The Secret Papers of Benedict XVI”. Cuốn sách chứa đựng những bức thư và ghi chú riêng tư giữa Giáo Hoàng và thư ký riêng của ngài. Cuốn sách gây tranh cãi này đã phác họa Vatican như là một cái ổ của cuộc chiến đầy đố kỵ, mưu mô, và bè phái.
Trước vụ việc này, tháng 3 năm 2012, Giáo Hoàng Benedictô XVI đã thành lập một uỷ ban điều tra về Vatileaks. Uỷ Ban gồm ba Hồng Y, dẫn đầu là HY. Julian Herranz, và 2 vị HY khác là Josef Tomko, và Salvatoire De Giorgi. Uỷ Ban đã tiến hành điều tra Phủ Quốc Vụ Khanh, ngân hàng Vatican và các cơ quan ở Vatican. Kết quả cuộc điều tra hé lộ rằng, có những xì-căng-đan tình dục và thư tống tiền xảy ra tại Vatican. Theo phát ngôn viên Toà Thánh, cha Federico Lombardi, Uỷ Ban đã chuyển kết quả cuộc điều tra trực tiếp đến tay Giáo Hoàng Benedicto XVI cũng như thông tri cho các công tố viên Vatican.
Cuộc điều tra đã dẫn đến việc bắt giữ Paolo Gabriele, viên quản gia của Giáo Hoàng từ năm 2006, vì đã tiết lộ tin mật đánh cắp được cho Gianluigi Nuzzi. Cảnh sát Vatican đã bắt Paolo Gabriele ngày 23/5/2012 sau khi những thư từ và tài liệu mật gửi cho Giáo Hoàng được tìm thấy trong căn hộ của ông ta. Phần lớn những tài liệu này nói về những cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực, và gian lận tài chính ở Vatican. Đến ngày 6/10/2012, Paolo Gabriele bị buộc tội ăn cắp và phải chịu mức án 18 tháng tù và buộc phải trả mọi án phí. Sau đó vào ngày 22/12/2012, Giáo Hoàng Benedictô XVI đã ghé thăm và tha thứ cho lỗi lầm cho Paolo Gabriele.
Phản ứng của Giáo Hoàng? Ngày 30/5/2012, vào cuối buổi giáo huấn hàng tuần, Giáo Hoàng Benedict XVI đã có lời bình luận chính thức về xì-căng-đan này. Ngài thừa nhận những bất trung và phản bội ở Vatican đã làm ngài đau buồn, nhưng ngài vẫn luôn tin vào lòng trung thành và tận tuỵ của các cộng sự thân tín vì chính họ giúp ngài chu toàn sứ vụ của ngài.
Liệu những xì-căng-đan trên đây có ảnh hưởng gì đến quyết định từ chức của Giáo Hoàng Benedicto XVI hay không? Chỉ biết rằng, ngày 11/2/2013, ngài đã bất ngờ tuyên bố thoái vị vì lý do sức khoẻ! Một tuyên bố gây sửng sốt toàn thế giới và trấn động cả bầu trời khiến sấm chớp chói loà giáng xuống mái vòm Đền Thờ Thánh Phê-rô trong lúc trời quang mưa tạnh.

2. Câu lạc bộ xông hơi-mát-xa đồng tính nam (gay) trong thành Vatican!
Ngay trước khi Công Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng – Conclave – diễn ngày 12/3/2013, tờ La Republica tại Ý loan tin sửng sốt, một phần trong khu căn hộ dành cho các linh mục toạ lạc tại số 2 đường Carducci, Vatican, được dùng làm câu lạc bộ xông hơi dành cho giới đồng tính nam –gay. Ngay cạnh lối vào câu lạc bộ xông hơi đồng tính này là căn hộ 12 phòng của Hồng Y Ivan Dias, cựu Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo!

3. Có Giáo Sĩ Đồng Tính và Tham Nhũng ở Vatican.
Ngày 6/6/2012, trong cuộc gặp với các chức sắc cao cấp vùng Mĩ Châu La Tinh và Ca-ri-bê, khi được hỏi về những thách thức phải giải quyết ở Vatican, Giáo Hoàng thừa nhận có chuyện vận động hành lang đồng tính nam – Gay Lobby và tham nhũng – corruption ở Vatican. Ngài nói: “Ở Toà Thánh có những người thánh thiện thật sự. Nhưng cũng có một dòng chảy của sự tham nhũng, đó là sự thật. Chuyện vận động hành lang đồng tính nam – gay lobby- như người ta nói đến, cũng là sự thật. Chúng tôi đang tính xem phải làm gì.”

4. Giáo Hoàng Cho Phép Một Phụ Nữ Đã Ly Dị-Tái Hôn Được Rước Lễ?
Hôm 21/4/2014 vừa qua, tức Ngày Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh, một phụ nữ người Ác-hen-ti-na có tên là Lisbona, đã loan tin là Giáo Hoàng Francis đã gọi điện cho cô và nói cho cô được rước lễ, dù cô là một người đã ly dị và tái hôn. Cô cho biết thêm, Giáo Hoàng đã trấn an cô rằng, một người như cô rước lễ thì không có gì là sai trái! Trước đó cô đã từng gửi thư cho Giáo Hoàng để nói về ước muốn rước lễ của cô. Tin này đã khiến mọi người hoang mang nghi ngờ, không biết đâu là sự thật.
Đến ngày Thứ Năm, 24/4/2014, , phát ngôn viên Toà Thánh, Lm. Federico Lombardi, ra thông cáo rằng:
“Những cuộc điện đàm được thực hiện trong bối cảnh những đáp ứng mục vụ riêng tư của cá nhân Giáo Hoàng, chúng không phải là những hoạt động công khai chính thức của Giáo Hoàng. Phòng Báo Chí Toà Thánh xin miễn bình luận về những tin như vậy. Những chuyện liên quan đến mối liên hệ cá nhân và dư luận của truyền thông không thể coi là đáng tin và là nguồn gây ra những hiểu lầm và bối rối. Do vậy, Giáo Huấn của Giáo Hội sẽ không thay đổi vì những chuyện xảy ra như thế này.”
Một lần nữa chúng ta lại được nghe điệp khúc của Phòng Báo Chí Toà Thánh. Mỗi khi người ta nói về Giáo Hoàng đã nói hay làm chuyện gì đó, Phòng Báo Chí Toà Thánh lại trấn an: Đó chỉ là những phát ngôn hay đáp ứng mục vụ riêng tư của cá nhân Giáo Hoàng! Giáo huấn của Giáo Hội vẫn không thay đổi.!
Đã là Giáo Hoàng thì trong mọi nơi, mọi lúc, và mọi lời nói, bạn đều nói với tư cách là Giáo Hoàng và đại diện Giáo Hội. Không thể lý luận rằng, tôi chỉ là Giáo Hoàng và đại diện cho Giáo Hội khi tôi lên tiếng giảng dạy cách chính thức công khai qua các thông điệp hay tông huấn…. Còn khi tôi trò chuyện riêng tư hay trả lời phỏng vấn thì là chuyện khác. Vậy là Giáo Hoàng cũng có thể chia cắt. Khi là Giáo Hoàng khi không?!!! 
Sự thật về chuyện Giáo Hoàng Francis cho phép người đã ly dị tái hôn được rước lễ không biết như thế nào. Bản thân Giáo Hoàng cũng không có ý kiến gì. Tuy nhiên, tác hại của những cái gọi là “những đáp ứng mục vụ riêng tư của cá nhân Giáo Hoàng” hay những phát ngôn như: thật là ngu ngốc nếu nghĩ rằng phải hoán cải người khác theo Công Giáo; Bạn không nhất thiết phải rửa tội để được cứu rỗi; người vô thần cũng được cứu độ nếu theo lương tâm của mình; tôi là ai mà xét đoán những người gay-đồng tính? .. là vô cùng lớn lao. Chẳng ai dại gì mà thay đổi giáo huấn. Kiểu phát ngôn ỡm ờ như thế này là cách phá hại đức tin cách tinh vi nhất. Không chính thức dạy gì trái ngược với giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, nhưng kiểu nói úp úp mở mở sẽ là căn nguyên và mở đường cho những thực hành trái với lề luật của Thiên Chúa và Giáo Hội.

5. Thánh Thể Bị Xúc Phạm Trong Lễ Tuyên Thánh.
Theo tin từ Vatican ngày 23/5/2014, một quan chức Vatican cho biết, Giáo Hoàng Francis đã tỏ ra bất bình về bữa tiệc linh đình ở trong một văn phòng của Vatican ngay chính trong ngày lễ tuyên thánh hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II gần đây.
Chuyện xảy ra là, một bữa tiệc buffet linh đình được tổ chức tại hành lang Văn Phòng Bộ Kinh Tế Vatican ngay trong buổi lễ tuyên thánh hai vị Giáo Hoàng ngày 27/4/2014. Khoảng 150 khách dự tiệc, trong đó có một số ký giả người Ý nổi tiếng như Bruno Vespa, Maria Latella, Marco Carrai – cộng sự thân cân của Thủ Tướng Ý, Matteo Renzi, và Chủ Tịch Ngân Hàng Vatican, Ernst Von Freyberg, cùng một số chức sắc cao cấp khác. Bữa tiệc VIP xa hoa này trị giá 25,000 đô la, tương đương khoảng 166 usd/1 khách!
Họ vừa ăn uống vừa tham dự lễ tuyên thánh. Điều khủng khiếp là sau đó, Đức Ông Lucio Angel Vallejo Balda, thư ký và thành viên uỷ ban giám sát các cơ quan hành chánh và kinh tế của Toà Thánh, đã đến cho những thực khách này rước lễ. Mình Thánh đựng trong chén đĩa thường chứ không phải trong bình ciborium.
Vậy là tiệc trần gian được lồng vào khung cảnh tiệc thánh. Mình Thánh được dùng lẫn với đồ ăn thức uống. Một sự xúc phạm khủng khiếp đối với Mình Thánh Chúa và với chính Chúa Giêsu!!
Quan chức Vatican phản ứng ra sao về chuyện này?
Khi được hỏi về bữa tiệc, Đức Ông Vallejo Balda, người đã cho các thực khách rước lễ, trả lời: “tôi không muốn nói về chuyện xảy ra trong hành lang đó. Cám ơn Chúa, chúng tôi có những vấn đề khác!”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình số 1 của Ý, Hồng Y Giuseppe Versaldi, Bộ Trưởng Phụ Trách Các Vấn Đề Kinh Tế của Vatican, nói: “Tôi không thể tiết lộ điều Giáo Hoàng đã nói. Tôi đã cho ngài biết về bữa tiệc và tất cả những gì tôi có thế nói là ngài đã không hài lòng. Tôi đảm bảo là những sự việc như thế này sẽ không xảy ra nữa.”
Hồng Y Versaldi nói thêm rằng, ngài không hề biết gì về bữa tiệc này và ngài chỉ cho phép một số người tiếp cận hành lang này để quan sát buổi lễ tuyên thánh mà thôi.
Theo báo L’Epresso, Giáo Hoàng bày tỏ sự bất bình về việc cho rước lễ trên ban-công bằng chén thường thay vì phải dùng chén đĩa thánh. Trước sự bất bình của Giáo Hoàng, các quan chức Vatican đang điều tra để xác định xem ai là người phải chịu trách nhiệm về bữa tiệc này, bữa tiệc được tổ chức ngay tại một trong các hành lang của Vatican trong khi hàng ngàn người phải chờ chực suốt đêm cho buổi lễ tuyên thánh.
Báo L’Epresso khẳng định rằng, người chủ trì và đứng ra tổ chức bữa tiệc này là Francesca Chaouqui, một phụ nữ người Ý và có chân trong Uỷ Ban Giám Sát Tài Chính của Vatican. Thiệp mời khách dự tiệc được gửi đi nhân danh Uỷ Ban này và có ghi rõ tên của hai nhà tài trợ cho bữa tiệc là công ty bảo hiểm sức khoẻ Assidai và công ty dầu lửa khổng lồ Medoilgas của Ý. Sau khi tin này được đăng tải, Francesca Chaouqui đã phản bác lại cáo buộc này và coi đây là hành động nhằm làm bà ta mất uy tín trước Giáo Hoàng.

6. Thánh Lễ Hàng Ngày Và Giáo Huấn Thứ Tư Hàng Tuần Bị Bãi Bỏ.
Việc Giáo Hoàng Francis bất ngờ quyết định huỷ bỏ các buổi Giáo Huấn Thứ Tư hàng tuần – Wednesday General Audiences – trong suốt tháng 7 và thánh lễ hàng ngày tại nhà nguyện Thánh Marta bị bãi bỏ từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2014 đã gây ra nhiều dư luận và đồn đoán về sức khoẻ của ngài. Để trấn an dư luận, Lm. Thomas Rosica, cố vấn phòng báo chí Vatican nói: “không có bất kỳ bệnh tật gì đối với Giáo Hoàng. Nếu có, chúng tôi đã loan tin và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho ngài.” Còn Lm. Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, giải thích: “cuộc sống của ngài (Giáo Hoàng) rất bận rộn trong những tuần vừa qua. Việc Giáo Hoàng nghỉ ngơi là hoàn toàn bình thường.”
Vâng đúng là rất bình thường nếu Giáo Hoàng nghỉ ngơi, bởi ngài cũng là con người chứ không phải máy móc. Theo thói quen, các Giáo Hoàng thường loan tin cho mọi người biết sẽ có kỳ nghỉ hè tại Castel Gandolfo. Điều khó hiểu và gây bàn tán là Giáo Hoàng Francis không hề cho biết là ngài có đi nghỉ hè ở đâu hay không. Nếu vẫn ở Vatican, tại sao thánh lễ hàng ngày và buổi giáo huấn thứ tư hàng tuần bị huỷ bỏ như trên?

7. Giáo Hoàng Chiếm Chỗ Của Chúa Giêsu Và Đức Mẹ?
Tình cờ gặp một thầy chủng sinh mãn khoá chương trình thần học tại Rôma. Thật là Giáo Hoàng vào chỗ của Chúa và Mẹ vui khi được thầy tặng cho một cỗ tràng hạt được đem về từ Vatican! Về nhà hí hửng đưa cỗ tràng hạt ra ngắm. Người viết không tin vào mắt mình khi nhìn thấy hình Giáo Hoàng Phan-xi-cô được gắn vào cỗ tràng hạt ở vị trí vốn dành cho Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ! Mặt sau của mẫu ảnh GH. Phan-xi-cô là dòng chữ tiếng Ý: “Prega per noi” (nghĩa là: Cầu cho chúng con). Người viết không thể hiểu được tại sao lại như vậy. Phải chăng Giáo Hoàng không biết chuyện người ta gắn hình của ngài vào những cỗ tràng hạt đang được bày bán tại Vatican này hay ngài biết mà làm ngơ? Phải chăng đây là kết quả của trào lưu ngây ngất sùng bái Giáo Hoàng trong suốt hơn một năm qua? Tại sao lại ngầm phong thánh cho Giáo Hoàng sớm như vậy? Đặt trong bối cảnh những cảnh báo của Thánh Phao-lô như đã nói trong bài 1, đây rõ ràng là một dấu chỉ đức tin khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Kết Luận:

Nhắc lại rằng, điều chúng ta được nghe biết về những gì đang xảy ra ở Vatican chỉ là một phần rất rất nhỏ của toàn bộ câu chuyện. Chúng ta không cần thiết phải phán xét và quy kết trách nhiệm lỗi lầm cho ai. Trái lại, chúng ta nhìn những điều đó như những cảnh báo và dấu chỉ cho đời sống đức tin của chúng ta. Đức tin của chúng ta, về căn bản, được nuôi dưỡng, củng cố và thức tỉnh bởi sự NHỚ LẠI: Nhớ lại điều Chúa Giêsu đã nói và căn dặn chúng ta. Lời Chúa, nhất là 4 sách Tin Mừng, cũng là những ký ức đức tin của các tông đồ được ghi lại.
Hãy nhớ điều đã nói trong bài 1: Chúa Giêsu từng nói: “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy niềm tin trên mặt đất nữa chăng?”(Lc 18,8). Tiếp theo, trong Tin Mừng Thánh Mathêu, Chúa Giêsu nhắc nhở: “Khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Đồ Ghê Tởm Khốc Hại mà ngôn sứ Đa-ni-en đã nói đến – người đọc hãy lo mà hiểu.” (Mt 24, 15). Thánh Phao-lô thiết tha căn dặn về những gì phải xảy đến trước ngày Chúa quang lâm: “Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Ðền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Khi tôi còn ở với anh em, tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao? (2Tx 2, 3-5). Và lời cảnh báo kinh ngạc của Đức Mẹ trong lần hiện ra tại La Sallette, Pháp, ngày 19/9/1846: “Rôma sẽ mất niềm tin và trở thành ngai toà của tên phản Kitô. Giáo Hội sẽ trở nên lu mờ.”
Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh, “Đồ Ghê Tởm Khốc Hại” ám chỉ những phản bội niềm tin vào Thiên Chúa, thực hành những nghi thức lễ tế lai tạp với ngoại giáo, và mọi hình thức xúc phạm đến Thiên Chúa và nơi thánh của ngài – sanctuary (1Mcb 1, 54; 6,7; Đn 9,27; 11,31).
Trong những xì-căng-đan trên, nặng nề nhất là việc xúc phạm Mình Thánh Chúa. Việc trộn lẫn Thánh Thể với bữa tiệc phàm tục và cho những người đang dự tiệc rước lễ như vậy chẳng khác gì coi Mình Thánh Chúa như món tráng miệng. Đó là thông điệp mạnh mẽ gửi đến cho mọi người rằng Mình Thánh Chúa chỉ là của ăn vật chất bình thường thôi. Đau đớn thay, việc phạm thánh này lại xảy ra trong một ngày huy hoàng và trọng đại của Giáo Hội, trong một sự kiện trọng đại chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội và được cả thế giới theo dõi, đó là lễ phong thánh cho 2 Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Satan quả là quỷ quyệt khôn ngoan!
Đừng phí công truy cứu trách nhiệm cho ai trong việc xúc phạm Mình Thánh Chúa này. Làm như vậy là lạc lối. Cần nhìn biến cố này như dấu chỉ Chúa gửi đến cho chúng ta. Việc xúc phạm Mình Thánh Chúa cách công khai này là một sự chối bỏ đức tin (Apostasy mà Thánh Phao-lô đã nói đến) vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Theo đó, đây là dấu hiệu đức tin rõ ràng cho thấy dường như những điều cảnh báo của Chúa Giêsu, Thánh Phao-lô, và Đức Mẹ trên đây đã ứng nghiệm.
Lm Phạm Đức Hậu
  • Xem Thêm:
    • Lời Nhắn Của Bạn
    • Bình Luận Bằng Facebook

    0nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed:Lm Phạm Đức Hậu Bài 4: Những chuyện Xì-Căng-Đan xảy ra tại VaticanRating:5Reviewed By:Unknown