Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký ban hành Học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga, theo đó Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân chống lại các hành động tấn công Nga và các đồng minh bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường, theo RIA Novosti ngày 26.12.2014.
Liên bang Nga đã thông qua Học thuyết quân sự mới, cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các hành động tấn công hay đe doạ Nga bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường - Ảnh: RIA Novosti
Tổng thống Nga đã ký ban hành Học thuyết mới này sau khi nội dung học thuyết được thông qua tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia Nga ngày 19.12.2014.
Theo Học thuyết này, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đánh trả các hành động chống lại Nga và các đồng minh của Nga từ các nước có vũ khí hạt nhân hoặc không.
"Liên bang Nga giữ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc tấn công Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga bằng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như trong trường hợp một cuộc xâm lược chống lại Nga bằng vũ khí thông thường, đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga", theo nội dung Học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga.
Quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân được thực hiện bởi Tổng thống Nga.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông cho rằng học thuyết mới này sẽ có thuật ngữ "tấn công phủ đầu", tuy nhiên thuật ngữ này không có trong học thuyết chính thức được công bố ngày 26.12.2014 trên website của Điện Kremlin.
Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các hành động chống lại Nga và đồng minh từ các nước có vũ khí hạt nhân hoặc không, theo Học thuyết quân sự mới được Tổng thống Nga ký ban hành cuối năm 2014 - Ảnh: TASS
Học thuyết nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa một cuộc xung đột hạt nhân và các cuộc xung đột quân sự khác sử dụng các loại vũ khí thông thường.
Học thuyết quân sự mới cũng nói NATO và việc mở rộng thành viên NATO sát biên giới Nga là mối đe doạ chính của Nga, bên cạnh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, bố trí các đơn vị quân đội nước ngoài tại các nước láng giềng và vùng nước lân cận Nga, kể cả việc gây sức ép về chính trị và quân sự với Nga.
Học thuyết còn chỉ rõ cả việc tạo dựng các chế độ ở các nước láng giềng có chính sách đe doạ các lợi ích của Nga cũng được xem là mối đe doạ quân sự với Nga.
Ngoài ra, các đe doạ khác trên toàn cầu đối với Nga còn có các tổ chức khủng bố, tôn giáo cực đoan, các công ty quân sự tư nhân hoạt động sát biên giới Nga và đồng minh, các cuộc xung đột trong khu vực, sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan và ly khai ở các nơi trên thế giới.
Đây được xem là Học thuyết quân sự mới đáp trả việc NATO ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng sát biên giới Nga, và với tình hình bất ổn ở Ukraine cũng như ý định gia nhập NATO của nước này, cùng hành động của các nước áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga.
Chưa thấy các nước có phản ứng gì với việc Nga công bố Học thuyết quân sự mới này.
Theo Tin nong
0nhận xét:
Đăng nhận xét