Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015
Hãy tìm kiếm sự nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và khiêm nhường. Hãy tránh xa Nhân Điện, Thiền, Yoga, Bói Toán, Huyền Bí, Dâm Ô, Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Tiền Tài, Danh Vọng, Lạc Thú.

Bài trả lời phỏng vấn về thời nay của một Linh Mục

Người đăng: Unknown | Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015|
PHỎNG VẤN ĐẦU NĂM
Tình cờ gặp được chủ nhân của trang blog thoigiodaman trong những ngày đầu năm vừa qua, tôi đã được ngài dành cho buổi nói chuyện thân tình.

GD: Con xin kính chào cha, không ngờ trông cha lại trẻ khoẻ thế! Cầu chúc cha luôn được bình an mạnh khỏe trong năm mới.

PDH: Vâng, cám ơn anh! Anh tưởng tôi đã già lụ khụ rồi sao?

GD: Dạ không đến nỗi thế đâu cha nhưng dù sao cũng khác so với hình dung của con. Cha gác bút rồi sao mà đã lâu con không thấy cha post bài mới?

PDH: (Cười) Gác bút thì chưa! Chỉ là tạm ngưng như một dấu lặng trong bản nhạc để bạn đọc nghỉ ngơi suy gẫm. Những bài đã đăng là đủ để cung cấp cho bạn đọc những gợi mở và điểm tựa cần thiết để đọc những dấu chỉ của hiện tượng APOSTASY – phản bội đức tin – của thời kỳ cuối, trước ngày Chúa quang lâm. Anh thấy đó, những dấu chỉ của apostasy vẫn đang tiếp tục xảy ra trước mắt chúng ta.

GD: Kết thúc mỗi năm, thế giới người ta thường nêu lên những sự kiện nổi bật trong năm. Vậy đời sống Giáo Hội trong năm vừa qua, đâu là những biến cố đáng chú ý đối với cha?

PDH: Tôi chú ý đến 3 sự kiện.

Một là: Thượng Hội Đồng GM Thế Giới Ngoại Về Gia Đình đã nhóm họp tại Rôma từ ngày 5-19 tháng 10 năm 2014. Bất kể người ta tung hô ca ngợi thế nào, biến cố này để lại là một sự mập mờ bối rối đối với tôi cũng như với nhiều người. Những dấu hiệu đi lạc xa đường chân lý và lới lỏng những đòi hỏi của Tin Mừng đối với hôn nhân gia đình là rất rõ ràng như tôi đã trình bày trong bài 13. Mặc dầu vậy, trong thư chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới 2015, vị chủ tịch HĐGMVN vẫn lạc quan tạ ơn Chúa vì “hoa quả ban đầu” của Thượng Hội Đồng này. Đáng tiếc là ngài không gọi đích danh hoa quả ban đầu đó là gì! Tôi thì lại không có được cái nhìn lạc quan như thế.

Hai là việc tiếp tục công cuộc cải cách mang tính cách mạng tại giáo triều Rôma, trong đó có việc loại trừ ảnh hưởng của những tiếng nói can đảm như HY. Raymond Burk và HY. Gerhard Ludwig Muller, Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Đây là hai vị HY đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về cuộc cách mạng mà Vatican đang khởi xướng. Đúng như dự đoán đã phân tích ở bài 13, HY. Burk bị thuyên chuyển từ vị trí bộ trưởng Bộ Xá Giải Tông Toà sang làm bảo trợ Hội Hiệp Sĩ Malta, một chức vụ mang tính hình thức, hữu danh vô thực! Hệ quả là ở Thượng Hội Đồng tháng Mười tới đây, ngài chỉ biết đứng ngoài quan sát mà thôi! Với HY. Muller thì còn được chút thương tình hơn. Tuy không bị đẩy khỏi chức vụ Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, nhưng vai trò của ngài đã hoàn toàn bị khống chế. Một Uỷ Ban gồm bẩy Hồng Y sẽ được thiết lập để “giúp” ngài giải quyết các vấn đề trong Bộ!
Công cuộc cải tổ tại Vatican và việc tấn phong các Hồng Y mới bất chấp thông lệ truyền thống đang gây ra những làn sóng bất mãn ngấm ngầm trong nội bộ Vatican và các giáo sỹ cấp cao ở nhiều nơi. Người đứng đầu Giáo Hội thừa nhận có những làn bất đồng chống lại ngài, nhưng ngài coi đó là điều tích cực! Tôi để ý đến những cải tổ về nhân sự vì nó liên quan sự thành công của cuộc cách mạng mà Vatican đang tiến hành. 

Cuối cùng, tôi cũng để ý đến sự việc ngay trước thềm lễ Giáng Sinh vừa qua, người đứng đầu Giáo Hội đã liệt kê 15 căn bệnh của Vatican. HY. Giovanni Lajolo, cựu Thống Đốc Thành Vatican, gọi sự kiện này là chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Các Giáo Hoàng tiền nhiệm thường dùng buổi gặp gỡ này để điểm lại những hoạt động trong năm cũng như các sự kiện sẽ diễn ra trong năm tới. Lần này, người đứng đầu Giáo Hội có vẻ lạc đề khi lên giọng thuyết giáo các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và nhân viên đang làm việc tại Vatican về 15 căn bệnh mà Vatican đang và có nguy cơ bị nhiễm. Tựu chung, đó là những căn bệnh đang gây ra sự trì trệ và cản trở công cuộc cách mạng đang tiến hành trong Giáo Hội. Nghe nói, vì bị bất ngờ trước nội dung không được chờ đợi của buổi gặp gỡ này, các tham dự viên đã đáp lại bài giáo huấn của Giáo Hoàng bằng những bộ mặt thờ ơ, vô hồn không cảm xúc.

GD: Ngoài những biến cố đã xảy ra trên, trong đời sống đức tin hôm nay cha có nhận thấy những hiện tượng gì khiến chúng ta đáng phải suy nghĩ không ạ?

PDH: Ồ! Về câu hỏi này của anh thì cũng có rất nhiều hiện tượng đáng suy nghĩ đấy. Tôi lại chỉ xin nêu 3 hiện tượng thôi nhé. 

Hiện tượng thứ nhất là: không tin có ma quỷ. Ngày nay, chẳng mấy ai còn tin có ma quỷ, tin nó đang hiện diện và thao túng con người, tin nó là thù địch của Thiên Chúa, tin mục đích tối thượng của nó là lôi kéo con người xa lìa và phản bội Thiên Chúa, tin nó đang cám dỗ mọi thành phần trong Giáo Hội, từ người lớn nhất đến người nhỏ nhất…. Mọi tội lỗi và cái ác đang tràn lan trên giới đều được giải thích bằng các lý do kinh tế, chính trị, văn hoá, tâm lý, xã hội.…tuyệt nhiên, ma quỷ không dính dáng gì vào những thứ tội lỗi và cái ác của con người. Người ta không tin ma quỷ có thể tác động và xui khiến lòng người. Nếu tin điều này, có khi bị coi là vô trách nhiệm. Chỉ biết đổ lỗi cho ma quỷ. Vậy nên, ma quỷ và ảnh hưởng của nó trong thế giới xem ra chỉ còn là chuyện của trẻ thơ con nít mà thôi. Giáo dân Việt Nam thì may ra còn thi thoảng còn được nghe nhắc ma quỷ và mưu chước ma của nó. Chứ bên Âu –Mỹ thì người ta không còn nhắc đến ma quỷ nữa. 

Không tin có ma quỷ và mưu mô chước độc huỷ hoại các linh hồn của nó là điều cực kỳ nguy hại đối với đức tin. Có thể nói, ma quỷ đã rất thành công trong việc làm cho con người không tin vào sự tồn tại của nó. Ma quỷ có thừa khôn ngoan để biết rằng, một khi con người không tin vào sự hiện diện của nó, con người dần dần cũng sẽ không tin có chuyện Sa Ngã, không tin có gì là tội lỗi, và cuối cùng là không tin vào Thiên Chúa và chẳng cần đến sự cứu giúp của Ngài. Nếu người ta không tin có ma quỷ thì người ta cũng không cần trông cậy vào Thiên Chúa. Không có ma quỷ và tội lỗi thì công trình cứu độ của Thiên Chúa cũng chẳng còn mấy ý nghĩa! Logíc của hiện tượng này là, khi con người không tin có ma quỷ thì họ cũng chẳng tin có thần thánh nào hết. Tất cả chỉ là tự nhiên. 

Hiện tượng thứ hai là: bác ái thay cho đức tin. Đây là hiện tượng người ta đề cao bác ái và lấy đó làm đủ, không cần đếm xỉa gì đến niềm tin vào Thiên Chúa nữa. Kiểu đề cao bác ái như vậy hoàn toàn khác với kiểu so sánh đức ái với đức tin và đức cậy của Thánh Phaolô. Bác ái thay cho đức tin ở đây là một cách gián tiếp phủ nhận sự cần thiết của niềm tin vào Thiên Chúa. Tôi không cần bạn phải tin vào Thiên Chúa. Tôi chỉ muốn bạn hãy làm việc bác ái! Người ta đang hối thúc mọi người hãy chăm lo cho người nghèo, người bị bỏ rơi, bị kỳ thị…. Hoán cải người khác theo đức tin Công Giáo là lố bịch! Điều quan trọng là phục vụ những người bị bỏ rơi. Đường hướng này được cũng được vị Giám Mục giáo phận Thanh Hoá đề cao trong bài giảng lễ đêm Giáng Sinh 2014 vừa rồi (chắc bài giảng vẫn còn trên trang web của địa phận), một bài giảng dành cho cử toạ có nhiều người lương dân. Vị giám mục cho rằng, mục đích của Thiên Chúa giáng sinh làm người là để làm bạn với con người!!Khôi hài hơn, vị giám mục cho rằng Thiên Chúa giáng sinh cũng chỉ là ông già Noel Thiên Chúa sai đến cho bạn để biến bạn trở cũng trở thành những ông già Noel cho mọi người! Vị giám mục không có mời gọi người ta đón nhận và tin theo Chúa Giêsu gì hết. Ngài khích lệ mọi người hành động theo gương của ông già Noel! Đó chẳng phải là bác ái thay cho đức tin và ông già Noel thay cho Chúa Giêsu sao? Nếu hỏi các thày dạy xem có đúng như vậy không, chắc chắn họ sẽ trả lời không, không bao giờ. Tuy nhiên, chính những tư tưởng được phát ra cách không ý thức mới là một phản ảnh trung thực của lòng người.

Và hiện tượng thứ ba là: chạy theo cái mới mẻ. Ngày nay, cái mới đồng nghĩa với cái tốt, cái đẹp, cái sáng tạo, cái đáng ngưỡng mộ, cái can đảm, cái quan tâm, cái tình thương, cái quà tặng của Thánh Thần v.v….người ta dành cho cái mới những mỹ từ tốt đẹp nhất. Thực tế, có phải như vậy không? Nếu để ý, ta có thể thấy, cái mới mẻ chưa chắc đã là cái tốt hoặc cái tốt hơn. Trái lại, nhiều khi nó chỉ là tên gọi khác của sự thoái hoá, sự biến chất mà thôi! Đáng tiếc là bản năng hám cái mới lạ lại đang chi phối quá mạnh trong đời sống đức tin ngày nay. Người ta đang đánh mất sự cảnh giác và thận trọng cần thiết đối với những cái mới mẻ. Ít người đặt vấn đề và chất vấn nó. Người ta nếu không hồ hởi đón nhận thì cũng cắt nghĩa cái mới mẻ bằng cái nhìn tích cực và lạc quan. Ai không muốn chào đón cái mới, người đó nhất định là kẻ nhát sợ, kém tin và đang chống lại Thần Khí. Hiện tượng hám cái mới lạ cũng là một nguy cơ thật sự đối với đức tin.

GD: Gần đây, con thấy có những luồng dư luận nói Đức GH. Phanxicô là giáo hoàng giả, là ngôn sứ giả. Cha có ý kiến gì về những tin tức kiểu thế này không?

PDH: (Cười). Câu hỏi của anh nhắc đến 2 điều là giáo hoàng giả và ngôn sứ giả. Nói chuyện giáo hoàng giả trước nhé. Anh nên nhớ rằng, chuyện giáo hoàng giả hay giáo hoàng thật là chuyện của các chuyên viên giáo luật. Tôi không có ý kiến gì về việc này. Điều tôi có thể nói với anh là, chuyện giáo hoàng thật hay giả cũng không có gì là giật gân lắm đâu. Trong lịch sử Giáo Hội, đã từng có các giáo hoàng giả hay còn cũng gọi là nguỵ giáo hoàng. Gần đây nhất là hồi cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thể kỷ 20, cũng từng rộ lên mối nghi ngờ về việc lên ngôi giáo hoàng của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI. 

Chuyện là thế này, trong ngày thứ hai của mật viện bầu giáo hoàng năm
Đức HY. Giuseppe Siri
1958, khói trắng đã bay lên trong suốt khoảng thời gian năm phút. Mọi người reo hò. Đài Vatican và truyền thông thế giới loan tin Đức HY. Giuseppe Siri đã được chọn làm giáo hoàng mới. Hàng trăm ngàn người tại quảng trường thánh Phê-rô đang háo hức chờ đợi sự xuất hiện đầu tiên của tân giáo hoàng và để biết xem tên giáo hoàng là gì. Không hiểu sao tân giáo hoàng không thấy xuất hiện. Mọi người bắt đầu nhốn nháo không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rồi Đài Vatican lại loan tin đính chính vẫn chưa có giáo hoàng mới. Thế rồi sang ngày thứ 3 của mật viện, Đức HY. Angelo Roncalli được chọn và lên ngôi giáo hoàng với danh là Gioan XXIII. Chuyện tương tự lại tái diễn trong kỳ mật viện năm 1963. Mọi người đã thấy khói trắng bay lên và reo hò mừng rỡ. Nhưng tin được loan ra là có sự nhầm lẫn và giáo hoàng mới vẫn chưa được chọn. Rồi sau đó, Đức HY. Giovanni Montini được chọn lên ngôi giáo hoàng với hiệu là Phaolô VI.

Điều gì đã thật sự xảy ra trong hai kỳ mật viện lạ lùng nói trên? Theo các nguồn tin tiết lộ, Đức HY. Giuseppe Siri chính là người đã được chọn làm giáo hoàng trong cả 2 kỳ mật viện 1958 và 1963 nói trên. Ngài đã chấp nhận sự tín nhiệm của các Hồng Y và lấy hiệu là Gregory XVII. Tuy nhiên, vì có sự liên hệ ngầm với bên ngoài mật viện, các thế lực Tam Điểm và Cộng Sản đã gây áp lực thông qua một nhóm Hồng Y người Pháp. Nhóm Hồng Y này đã gây áp lực với Đức HY. Siri rằng nếu ngài nhận chức thì sẽ là một tai hoạ khủng khiếp cho Giáo Hội, rằng Vatican sẽ bị đánh bom và nhiều vụ ám sát sẽ xảy ra tại Vatican. Do đó Đức HY. Siri đã chấp nhận thoái lui!?

Trước khi qua đời, chính Đức HY. Siri đã thừa nhận, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Marquis de Franquerey, Louis Remy và Francis Delay rằng, đúng là ngài đã được chọn làm giáo hoàng trong cả hai kỳ mật viện 1958 và 1963. Tuy nhiên, ngài từ chối tiết lộ lý do tại sao ngài không thể lên ngôi trong cả hai lần đó. Ngài nói rằng ngài bị bó buộc bởi một bí mật, một bí mật khủng khiếp. Có những điều vô cùng nghiêm trọng đã xảy ra nhưng tôi không thể nói được điều gì.

Chứng kiến sự việc xảy ra tại mật viện năm 1958 khi ấy, Đức HY. Francis Spellman của New York, đã tỏ thái độ bực bội và coi thường đối với Đức Tân Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ngài nói, ông ta không phải là giáo hoàng, ông ta nên về nhà đi bán chuối thì hơn! Một chi tiết bên lề nữa là, không hiểu vô tình hay cố ý, Đức Tân Giáo Hoàng Gioan XXIII lại lấy hiệu Giáo Hoàng trùng với một giáo hoàng giả của thể kỷ 15.

Anh thấy đó, chuyện liên quan đến Đức HY. Siri đã được chọn rồi lại không thể nhận chức, có lẽ vẫn sẽ còn là một bí mật đi cùng chúng ta cho đến đời sau. Có thể giả thiết rằng, nếu quả thật là ngài bị ép buộc hay đe doạ phải thoái vị, thì sự thoái vị của ngài là vô hiệu. Nếu sự thoái vị của ngài là vô hiệu, thì ngài thật sự vẫn là Giáo Hoàng Gregory XVII cho đến khi qua đời vào năm 1989. Nếu ngài thật sự là Giáo Hoàng cho đến năm 1989, thì ….tôi không dám suy tiếp nữa.

Còn tin đồn ngôn sứ giả thì sao? Chuyện này tôi cũng không thể trả lời cụ thể với anh được. Tuỳ khôn ngoan Chúa ban mà mỗi người tự rút ra câu trả lời cho mình thôi. Ngôn sứ giả thường là kẻ có tài ăn nói và bóp méo lời Chúa. Vì thế, muốn nhận biết ngôn sứ giả, mỗi người phải chịu khó học hỏi lời Chúa, giáo lý truyền thống của Giáo Hội, và chuyên chăm cầu nguyện. Xin gì chứ xin ơn nhận biết và tuân theo thánh ý Chúa thì Ngài cũng không nỡ từ chối đâu.

Rất nhiều câu lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải đề phòng các ngôn sứ giả. Càng gần đến thời thế mạt thì càng xuất hiện nhiều ngôn sứ giả. Hãy nhớ những điều Chúa dạy chúng ta: xem quả thì biết cây; để ý đến việc làm hơn là lời nói; ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy…Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ chúng ta, nếu có ai rao giảng cho anh em một tin mừng khác với tin mừng chúng tôi rao giảng cho anh em thì xin Thiên Chúa loại kẻ ấy đi.

GD: Theo cha, chúng ta phải đối xử thế nào với ngôn sứ giả?

PDH: Một sự thật là ngôn sứ giả không bao giờ là kẻ ở ngoài. Thánh Gioan tông đồ nói đó là kẻ xuất thân trong hàng ngũ chúng ta. Lịch sử cho thấy, ngôn sứ giả luôn là người ở trong Giáo Hội. Ngôn sứ giả cũng thường là kẻ sắm vai người lãnh đạo và thày dạy dân Chúa. Nếu có thể chứng minh một kẻ nào đó là ngôn sứ giả thì có thể gọi kẻ ấy bằng cái tên khác, kẻ lạc giáo, kẻ rao giảng giáo lý lầm lạc. Trong trường hợp đó thì dễ giải quyết, cứ theo luật mà xử.

Trong thực tế, việc nhận ra chân tướng của một ngôn sứ giả không bao giờ là một điều dễ dàng. Bởi hắn rất có tài ăn nói nên mê hoặc được nhiều người. Hắn hay dùng xảo thuật ăn nói ỡm ờ nửa vời, chộn lẫn sự thật với dối trá nên sẽ gây ra nhiều tranh cãi trong việc kết luận về hắn. Việc kết luận về hắn căn bản là một hành động của đức tin sau khi đã cầu nguyện và để cho lời Chúa soi dẫn. Nếu nhờ đức tin và lời Chúa soi dẫn, anh xác tín ai đó là ngôn sứ giả, thì cách tốt nhất là can đảm đừng nghe theo hắn. Nghe theo ngôn sứ giả là phản bội Chúa. Nếu ngôn sứ giả dùng đến quyền hành và đức vâng lời để trấn áp thì cũng không được nghe theo. Chính khi ấy, anh hãy nhớ và phải hiểu ý nghĩa tại sao Chúa Giêsu nói: anh em chỉ có một thày. Chúa Giêsu là người thày đích thực duy nhất của chúng ta. Tất cả các thày dạy khác chỉ là đại diện cho vị thày đích thực Giêsu mà thôi. Chúng ta chỉ có bổn phận nghe theo các thày dạy đó bao lâu họ còn trung thành truyền dạy cho chúng ta lời dạy của Chúa Giêsu. Khi đó, nghe lời họ là nghe lời Chúa. Còn một khi họ không còn trung thành với lời dạy của Chúa Giêsu thì chúng ta có bổn phận không được nghe theo, bởi vì nghe lời họ chính là phản bội Chúa.

GD: Trong năm nay, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình tiếp tục nhóm họp tại Rôma. Cha có kỳ vọng gì về biến cố này không ạ?

PDH: Như những gì đã được phân tích trong bài “Thần Khí Nào Đã Thúc Đẩy” và những hiện tượng xảy ra gần đây, tôi tiếp tục hướng con mắt hoài nghi về kết quả kỳ họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục tới đây. Tại sao ư? Có 3 lý do.

Thứ nhất: Bản tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng tới đây đã gián tiếp loại bỏ tầm quan trọng và vai trò của Thánh Kinh. Bản tài liệu này được Vatican công bố vào cuối năm 2014 vừa qua và gồm có 46 câu hỏi trong đó. Mục đích là để cho Hội Đồng Giám Mục các quốc gia và mọi thành phần dân Chúa nơi đó được học hỏi và đưa ra những đáp ứng mục vụ phù hợp với hoàn cảnh ngày nay. Điều khiến tôi kinh ngạc là, Vatican, qua bản tài liệu này, đã công khai yêu cầu các giáo hội địa phương tránh không được dựa vào giáo lý để thiết lập những giải pháp mục vụ! Bởi làm như vậy sẽ là không tôn trọng những kết luận và đường hướng mà Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Tháng 10 năm ngoái đã đưa ra. Cách riêng, với câu hỏi số 40 về những người đồng tính luyến ái, bản tài liệu yêu cầu hãy dựa vào ánh sáng của những sự nhạy cảm văn hoá, chứ không phải ánh sáng của lời Chúa, để đưa ra những đáp ứng phù hợp nhất.

Giáo lý được rút tỉa ra từ Thánh Kinh và Thánh Kinh là nền tảng của giáo lý. Vậy mà Vatican yêu cầu không dựa vào giáo lý, cụ thể là dựa vào những sự nhạy cảm văn hoá – cultural sensitivities để xây dựng những giải pháp mục vụ. Như vậy, chẳng phải là Thánh Kinh đã bị loại trừ sao? Lời Chúa đâu còn là điểm tựa và ánh sáng soi dẫn hành động của chúng ta nữa! Còn cái gọi là những sự nhạy cảm văn hoá thời nay là gì? Đó là văn hoá cởi mở đón nhận đồng tính luyến ái, ly dị, ngừa thai, phá thai, …tất cả những thứ đó, luật của thế gian đã hợp thức và coi là quyền của con người rồi. Chúng ta sẽ nương theo những sự nhạy cảm văn hoá này để phục vụ con người cách tốt hơn chứ? Hay chúng ta cứ vẫn muốn giam hãm trong vỏ bọc của chính mình và ngày càng trở nên xa lạ với con người? 

Thứ hai: Nguy cơ dẫn đến việc phản bội đức tin bằng hành động như tôi đã đề cập ở bài 13, đã không còn nằm trên giấy tờ nữa, nhưng đã đi vào cuộc sống. Tại Đức, Ái Nhĩ Lan, Áo, và một số nước Âu Châu khác cũng như tại Mỹ, việc cho người đã ly dị - tái hôn được rước lễ, việc chúc lành cho các cặp hôn nhân đồng giới, đã được thực hiện cách rộng rãi hơn kể từ sau kỳ họp tháng 10 vừa qua. Xem ra, đây là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược của thời đại! Việc triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình có thể coi như là một cố gắng nhằm hợp thức hoá những gì đã và đang diễn ra mà thôi.

Thứ ba: Vatican đã thể hiện sự áp đặt, bất chấp ý nguyện của các giám mục, khi vẫn cố tình đưa 2 chủ đề gây tranh cãi, người ly dị tái hôn rước lễ và những người đồng tính luyến ái, vào bản tài liệu học hỏi chuẩn bị cho kỳ họp tháng 10 năm nay. Hai chủ đề này đã không dành được đa số hai phần ba các nghị phụ của kỳ họp tháng 10 năm ngoái thông qua. Vì thế theo nguyên tắc, hai chủ đề này phải bị loại bỏ và không thể được đưa vào chương trình nghị sự. Đáng tiếc, chắc vì đây là những chủ đề tiêu biểu nhất đại diện cho những sự nhạy cảm văn hoá của thời đại chúng ta, nên chúng phải được Vatican quan tâm.

Đó là 3 lý do khiến tôi hoài nghi về kết quả sẽ được gọi là tốt đẹp của kỳ họp tháng 10 năm nay.

GD: Vậy cho phép con hỏi một câu có vẻ riêng tư chút là cha sẽ hướng về năm 2015 với tâm trạng như thế nào ạ?

PDH: Tôi cảm thấy bình an và luôn tin tưởng chương trình nhiệm màu của Thiên Chúa. Tôi cũng tin chắc là hiện tượng apostasy – phản bội đức tin của thời kỳ cuối – tiếp tục xảy ra một cách mạnh mẽ và quy mô hơn. Mặc dầu vậy, tôi không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi về điều này. Trái lại, tôi đón nhận tất cả với lòng tỉnh thức và niềm xác tin vào Chúa, vì tôi thấy lời Ngài đang được ứng nghiệm.

GD: Câu cuối cùng con xin hỏi cha là, cha có lời gì muốn nói với bạn đọc của trang blog thoigiodaman không ạ?

PDH: Điều tôi muốn nói là không nên quy kết cho ái đó những nhãn mác có thể dẫn đến những tranh cãi, giận hờn, và chia rẽ không cần thiết. Hãy dọc những dấu chỉ Chúa gửi đến trong cái nhìn đức tin để có sự chuẩn bị thích hợp cho mình. Chúa chẳng dạy chúng ta thế này sao: khi anh em thấy tất cả những điều đó xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu độ. Chúa dạy khi thấy những điều đó xảy ra thì chúng ta phải sẵn sàng chứ không phải là tranh cãi với nhau.

GD: Con cám ơn cha đã dành cho con buổi nói chuyện này, và con xin cha cho đăng bài này để những giáo dân khác cũng có cơ hội đọc. Con chúc cha luôn được hồn an xác mạnh.

PDH: Vâng! Tôi cũng cám ơn anh đã cho tôi những câu hỏi trên. 
Theo Thoigiandaman
  • Xem Thêm:
    • Lời Nhắn Của Bạn
    • Bình Luận Bằng Facebook

    0nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed:Bài trả lời phỏng vấn về thời nay của một Linh MụcRating:5Reviewed By:Unknown