Trong phiên họp chung lần thứ mười một ngày 13 tháng Mười, Tổng Tường Trình Viên của THĐ về Gia Đình là Đức HY Erdo, TGM Budapest, Hung Gia Lợi, đã trình bày Phúc Trình Sau Thảo Luận, tóm lược các điểm đã được THĐ bàn tới trong các phiên họp chung trước đây.
Điểm đáng lưu ý nhất là điều được gọi là “luật tiệm tiến”. Tuy nó chỉ được nêu lên làm đề tài cho cuộc bàn luận dứt khoát (hy vọng thế!) vào năm tới, nhưng nó đã tạo nên thật nhiều phản ứng dữ dội, đến nỗi có người gọi đây là một cơn động đất. Mark Greaves chẳng hạn đặt tựa cho bài viết của ông ngày 13 tháng Mười là “Family synod: mid-term report is hailed as a ‘pastoral earthquake’” (THĐ về Gia Đình: phúc trình giữa khóa được chào đón như một ‘trận động đất mục vụ). John Thavis, cùng ngày, cũng đặt tựa đề cho bài viết của mình là “A pastoral earthquake at the synod” (Trận động đất mục vụ tại THĐ).
Như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, Phúc Trình Sau Thảo Luận kêu gọi Giáo Hội chú ý tới các khía cạnh tích cực trong các mối liên hệ hôn nhân bị coi là “bất thường” như mối liên hệ giữa những người ly dị tái hôn hay giữa những người phối hợp đồng tính, và nên “luôn mở rộng cửa” đón chào những người sống trong các liên hệ này.
Bản Phúc Trình nói rằng việc Giáo Hội vươn tay ra với người Công Giáo ly dị không tượng trưng cho “việc làm suy yếu đức tin của mình” mà chỉ là việc thực thi bác ái.
Tài liệu trưng dẫn nhiều lời kêu gọi của các vị tham dự THĐ muốn thấy diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu tiến hành nhanh hơn.
Liên quan tới những người đồng tính, tài liệu nói rằng “những người đồng tính có nhiều ơn phúc và tài năng để cung hiến cho cộng đồng Kitô hữu. Liệu ta có thể chào đón những con người này, bảo đảm với họ một không gian huynh đệ trong cộng đồng của ta hay không? Họ thường mong muốn gặp được một Giáo Hội sẵn sàng cung hiến cho họ một mái ấm đón chào. Các cộng đồng của ta có khả năng cung cấp điều đó, chấp nhận và trân trọng xu hướng tính dục của họ mà vẫn không làm hại gì tới tín lý Công Giáo về gia đình và hôn nhân hay không?
“Dù không bác bỏ các vấn đề luân lý dính liền với các cuộc kết hợp đồng tính, nhưng ta phải ghi nhận rằng có những trường hợp trong đó sự giúp đỡ hỗ tương đến độ hy sinh đã tạo nên một trợ giúp qúy báu trong cuộc sống của những người kết hợp với nhau”.
Tài liệu cũng nhấn mạnh “nguyên tắc tiệm tiến”, tức ý niệm cho rằng người Công Giáo tiến tới chỗ chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội theo từng bước một, và Giáo Hội cần đồng hành với họ một cách kiên nhẫn và cảm thông.
Tài liệu nói tới việc “chấp nhận thực tại của hôn nhân dân sự và cả việc sống chung nữa”, vì nhận định rằng các cuộc kết hợp này đã đạt được “một trình độ ổn định đáng kể nhờ một sợi dây công khai” và “có đặc điểm của một tình âu yếm sâu sắc, ý thức trách nhiệm liên quan tới con cái, và khả năng chống chọi thử thách”.
Tài liệu viết rằng: “do đó, nhờ hiểu ra việc cần phải biện phân một cách thiêng liêng đối với việc sống chung, hôn nhân dân sự và các người ly dị và tái hôn, Giáo Hội có trách vụ phải thừa nhận các hạt giống Lời Chúa vốn được gieo vãi ở bên ngoài các biên giới hữu hình và bí tích của mình. Theo gương cái nhìn rộng mở của Chúa Kitô, Đấng có ánh sáng chiếu soi mọi con người, Giáo Hội trân trọng hướng về những người tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách chưa hoàn toàn và chưa hoàn hảo, đề cao các giá trị tích cực của họ hơn là các hạn chế và thiếu sót của họ”.
Tài liệu nhấn mạnh tới việc cần phải có một phương thức tích cực khi viết rằng: “trong các cuộc kết hợp này, ta có thể nắm được các giá trị gia đình chân chính hay ít nhất cũng là ý muốn có được những giá trị này. Việc đồng hành mục vụ luôn phải khởi đi từ những khía cạnh tích cực này”.
Về việc cho phép người ly dị và tái hôn Rước Lễ, tài liệu bỏ ngỏ vấn đề, dành cho việc nghiên cứu sâu xa hơn về thần học. Tài liệu viết rằng một vài vị tham dự THĐ chống lại việc cho phép này, trong khi nhiều vị khác coi nó như một khả thể, sau khi đã theo “con đường sám hối” dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Tài liệu viết thêm rằng “hoàn cảnh những người ly dị rồi tái hôn đòi phải biện phân cẩn thận và đồng hành đầy kính trọng, tránh bất cứ ngôn ngữ hay tác phong nào có thể khiến họ cảm thấy bị kỳ thị. Đối với cộng đồng Kitô Giáo, việc chăm sóc họ không hề làm suy yếu đức tin của mình và chứng từ của mình đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân, nhưng đúng hơn nói lên tình bác ái của mình trong việc chăm sóc này”.
Tài liệu cũng nhắc tới Công Đồng Vatican II, là Công Đồng quả quyết rằng “dù nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý có được tìm thấy bên ngoài cơ cấu hữu hình của mình… các yếu tố này, trong tư cách hồng ân thuộc Giáo Hội của Chúa Kitô, chính là các sức mạnh cuốn hút người ta hướng về sự hợp nhất Công Giáo”.
Bản văn của tài liệu tự mô tả mình như là một dụng cụ nhằm được sử dụng cho THĐ về gia đình lớn hơn vào tháng Mười năm 2015.
Tài liệu viết: “Các suy tư được trình bày, vốn là kết quả cuộc đối thoại tại THĐ diễn ra một cách hết sức tự do và trong tinh thần lắng nghe hỗ tương, là nhắm nêu lên các vấn đề và xác định ra các tầm nhìn cần được làm cho chín mùi và rõ ràng hơn nhờ suy tư của các Giáo Hội địa phương trong năm trải dài từ nay tới Phiên Họp Toàn Thể Thông Thường của THĐ giám mục dự định vào tháng Mười năm 2015. Đây chưa phải là các quyết định đã được đưa ra mà cũng không phải là các quan điểm”.
Joshua McElwee, một phóng viên từ Vatican của tờ National Catholic Reporter nói rằng phúc trình sau thảo luận của THĐ nhất định có một cung gọng khác hẳn các tuyên bố khác của Giáo Hội trong mấy năm gần đây. Ông cho rằng nó kêu gọi Giáo Hội “lắng nghe nhiều hơn, tôn trọng người ta trong các cuộc đấu tranh khác nhau của họ, và áp dụng lòng thương xót một cách rộng rãi hơn”. Ông còn nói thêm rằng “tài liệu thừa nhận một cách thẳng thừng rằng việc áp dụng một cách nghiêm khắc tín lý của Giáo Hội không còn đủ để nâng đỡ người ta trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của họ nữa”.
Ông cho rằng tài liệu “xem ra cũng phản ảnh một động thái của các vị giáo phẩm muốn nhích xa ra việc phải chính xác về luật lệ trong việc trung thành với giáo huấn của Giáo Hội để bước vào chủ thuyết tiệm tiến, tức ý niệm thần học cho rằng cần có thời gian, người ta mới có thể lớn mạnh về sự thánh thiện hay trung thành với giáo huấn của Giáo Hội được”.
Austen Ivereigh thì cho hay bản phúc trình sau thảo luận “đã khéo léo duy trì được thế cân bằng giữa nhiều vấn đề đang được tranh cãi đồng thời đột phá được một cơ sở mới cho cách tiếp cận của Giáo Hội đối với những người không sống đúng theo giáo huấn của mình”.
Ông viết tiếp: “dù không có những ngạc nhiên lớn lao, vì phần lớn các ý tưởng trong phúc trình này đã được đề cập trong THĐ, nhưng yếu tố có tính tin tức nhất có thể là việc nó tổng hợp được các quan điểm chống chọi nhau, việc này nhằm mục đích giúp Giáo Hội biện phân được các giải đáp cho các vấn đề khó khăn vào năm tới, và lời kêu gọi của nó muốn có một cách tiếp cận mới có tính ‘mục vụ’ đối với hôn nhân và gia đình”.
Nhưng ông cho hay “Khó mà nắm được điều thực sự tạo tin cho bản phúc trình nếu chỉ đọc các tựa đề, vì nó kêu gọi Giáo Hội phải có một tư duy (mindset) mới. Đó là thứ tư duy tìm thấy trong lời kêu gọi của Niềm Vui Tin Mừng muốn có một cách tiếp cận có tính ‘mục vụ’ và ‘truyền giáo’ nhiều hơn”.
Ông nhấn mạnh rằng “(theo tiêu chuẩn Giáo Hội) hiện đang có một ngôn ngữ cực kỳ mạnh mẽ, thí dụ, ở đoạn 40, kêu gọi phải chăm sóc tốt hơn cho những thực tại mà tài liệu gọi là ‘các gia đình bị thương tổn’”.
Ông viết tiếp: “điều được dóng lên rõ ràng tại THĐ là sự cần thiết phải đưa ra các quyết định mục vụ can đảm. Trong khi mạnh mẽ tái khẳng định lòng trung thành đối với tin mừng gia đình, các nghị phụ THĐ vẫn cảm thấy nhu cầu cấp bách phải có những ngả đường mục vụ mới, khởi đi từ thực tại hữu hiệu của tính mỏng dòn gia đình, thừa nhận rằng những mỏng dòn này thường được “chịu đựng” hơn là tự ý chọn lựa”.
John Thavis thì quả quyết rằng phúc trình sau thảo luận là một cơn địa chấn lớn nổ ra sau nhiều cơn địa chấn nhỏ hơn trong mấy tháng qua.
Ông cho rằng bản phúc trình đã tóm lược phương thức mục vụ mới như sau: “Điều cần là phải chấp nhận con người trong hữu thể cụ thể của họ, biết cách làm thế nào hỗ trợ việc tìm kiếm của họ, khuyến khích họ mong ước có Thiên Chúa và ý muốn cảm nhận mình là thành phần trọn vẹn của Giáo Hội, cả về phía những người cảm thấy mình thất bại và thấy mình sa vào các hoàn cảnh đa dạng nhất. Điều này đòi hỏi tín lý đức tin, nội dung của nó, phải càng ngày càng được biết tốt hơn, được đề xuất song song với lòng từ bi”.
Bản phúc trình này, theo Thavis, rõ ràng phản ảnh ý của Đức Phanxicô muốn có một phương thức có tính mục vụ hơn về các vấn đề hôn nhân và gia đình, nhưng nó vẫn tùy thuộc sự duyệt xét của các giám mục trong tuần này và hình thức sau cùng của nó sẽ được dùng để các Giáo Hội địa phương suy nghĩ một năm trước khi có THĐ thông thường vào năm 2015.
Thavis cho rằng phần đầu của Phúc Trình cho thấy một chẩn đoán khá nghiêm khắc về các chứng bệnh đang hoành hành gia đình hiện đại, nhất là những nguy hiểm như “cá nhân chủ nghĩa thái quá” xem ra đã thay thế hẳn sự gắn bó của gia đình. Nhiều gia đình khác chật vật với khó khăn kinh tế, bạo hành và biến động xã hội.
Để đương đầu với các vấn đề trên, Giáo Hội cần phải mở ra một diễn trình “hồi tâm”, không chỉ công bố một mớ luật lệ mà là đề cao các giá trị, nhận ra các cơ may phúc âm hóa nhưng cũng không quên các giới hạn văn hóa.
Dù gì, Thavis cũng nhấn mạnh rằng điểm quan trọng của phúc trình là nó mời gọi các cộng đồng Công Giáo khắp thế giới tiếp tục suy tư các suy nghĩ của THĐ và đưa ra quan điểm của họ, tất cả sẽ được cứu xét trong THĐ thông thường vào năm sau.
Phản ứng
Theo Thavis, sau khi công bố bản phúc trình này, đã có 41 vị giám mục lên tiếng về nội dung của nó và một số vị yêu cầu được minh xác về một số chủ đề chuyên biệt:
* Một số vị hỏi: trong mục nói về đồng tính liệu có nên nhắc tới giáo huấn dạy rằng “một số cuộc kết hợp là mất trật tự, là rối loạn” hay không, đây là kiểu nói cố hữu xưa nay dùng để mô tả các liên hệ đồng tính.
* Nhiều nguồn tin cho hay các giám mục khác chất vấn việc bản phúc trình so sánh giữa nguyên tắc tìm ra “các yếu tố thánh hóa và chân lý ở bên ngoài” cơ cấu hữu hình của Giáo Hội, vốn được Lumen Gentium của Vatican II phát biểu, với ý niệm bao quát hơn cho rằng các yếu tố tích cực có thể tìm thấy không những trong cuộc hôn nhân bí tích mà cả trong các cuộc kết hợp bất thường nữa.
* Ít nhất có một giám mục hỏi điều gì xẩy ra cho quan niệm tội lỗi. Chữ “tội lỗi” rất ít xuất hiện trong bản phúc trình dài 5,000 chữ này.
Trong cuộc họp báo, Đức HY Luis Antonio Tagle của Phi Luật Tân nhấn mạnh rằng bản văn này không phải là bản văn cuối cùng rồi vừa cười ngài vừa cho hay “nên bi kịch vẫn còn đang tiếp diễn”.
Andrea Gagliarducci, trong một bài đăng ngày 13 tháng mười, có một nhận định đáng lưu ý: vì THĐ lưu tâm tới việc tránh các ngôn ngữ tiêu cực đối với những hình thức “bất thường”, nên hình như cuối cùng, vấn đề còn lại là phải trình bày sự thật của Tin Mừng cách nào. Ông cho rằng “Thật khó mà che dấu sự thật ở đàng sau một ngôn ngữ ‘chính xác về chính trị’. Có lẽ đây là lúc trách nhiệm nghĩ ra một ngôn ngữ cho sứ điệp phải dành cho các nhà chuyên môn về tiếp thị, hơn là các giám mục”.
Ký giả này nghĩ rằng tâm điểm của Tin Mừng hình như không được chú tâm bao nhiêu. Ông nhắc tới linh mục Piero Gheddo, người từng nêu vấn đề này từ lâu. Ngài nói rằng tác động của các nhà truyền giáo đã mất hết sức lôi cuốn vì chúng đã không còn nhìn ra tâm điểm của Tin Mừng nữa. Hình như ngày nay, Kitô Giáo đã từ bỏ việc lên khuôn cho thế giới, và thay vào đó là để thế giới lên khuôn cho mình.
Gagliarducci bảo rằng cho tới nay truyền thông đang hướng dẫn cuộc thảo luận về gia đình. Thành thử đề xuất của Đức HY Kasper đã trở thành chủ đề chính để truyền thông loan tải tin tức, trong khi THĐ không công bố đầy đủ các đóng góp cụ thể của các nghị phụ. Trận hỏa mù này chỉ có lợi cho sự mặc tình thao túng của truyền thông.
Ông tin rằng chắc chắn đấy không phải là điều Đức Phanxicô mong muốn. Ngài chỉ ủng hộ việc thảo luận và nêu vấn đề, càng nhiều càng tốt, càng say mê càng hay.
Liên Minh Phò Sự Sống thì thẳng thừng lên án Phúc Trình này, gọi nó là một sự phản bội các cha mẹ Công Giáo khắp thế giới, chống lại giáo huấn của Giáo Hội. Thực thế, John Smeaton, đồng sáng lập viên của Tiếng Nói Gia Đình, cho rằng “các vị kiểm soát THĐ đang phản bội các cha mẹ Công Giáo khắp thế giới”.
"Chúng tôi tin rằng phúc trình giữa khóa của THĐ là một trong những tài liệu chính thức tồi tệ nhất đã được soạn thảo trong lịch sử Giáo Hội”.
Ông nói rằng dĩ nhiên phúc trình này mới chỉ là phúc trình sơ khởi để thảo luận, chứ chưa phải là những đề xuất nhất định, nhưng điều chủ yếu là tiếng nói của các tín hữu đang trung thành và thành thực sống giáo huấn Công Giáo phải được kể đến chứ.
Patrick Buckley, đại diện của Tiếng Nói Gia Đình ở Ái Nhĩ Lan cho rằng phúc trình này đại diện cho ‘cuộc tấn công vào hôn nhân và gia đình’ và nói thêm: “nó thực sự âm thầm chấp nhận các mối liên hệ ngoại tình, và do đó, đi ngược lại điều răn thứ sáu và lời dạy của Chúa Giêsu Kitô về tính bất khả tiêu của hôn nhân”.
Maria Madise, phối trí viên của Tiếng Nói Gia Đình, tự hỏi liệu các cha mẹ từ nay có dám nói cho con cái thấy cái sai của ngừa thai, sống chung hay sống đồng tính nữa không; họ có thể nói với chúng là Tòa Thánh dạy rằng có những khía cạnh tích cực và xây dựng trong các tội trọng này không? “Phương thức này quả tiêu diệt ơn thánh trong các linh hồn”.
John Smeaton thúc giục người Công Giáo “không nên tự mãn hay nhường bước trước cảm thức sai lầm phải vâng lời, khi đối diện với những vụ tấn công vào các nguyên tắc nền tảng của luật tự nhiên. Họ có nghĩa vụ luân lý phải chống đối diễn tiến đang xẩy ra tại THĐ”.
Linh Mục Dominic Legge, Dòng Đa Minh, thì đả kích lối hiểu “nguyên tắc tiệm tiến” của bản phúc trình. Ngài bảo cuộc tranh luận về nguyên tắc này từng diễn ra trong THĐ năm 1980 cũng về gia đình và đã được Đức Gioan Phaolô II giải quyết dứt khóat trong Familiaris Consortio rồi.
Thực vậy, hồi ấy một vài tiếng nói chủ trương rằng trong những trường hợp khó khăn, người ta có thể cam kết “từ từ” từ bỏ thói quen phạm tội trọng và có thể tức khắc cho phép mình chịu các bí tích, dù vẫn có ý định tiếp tục phạm các hành vi tội lỗi cá thể trong một mức độ giảm thiểu. Luận điểm này đã bị Đức Gioan Phaolô II bác bỏ. Ngài bảo: các cặp vợ chồng “không thể … coi luật lệ chỉ như một lý tưởng để thể hiện trong tương lai: họ phải coi nó như lệnh truyền của Chúa Kitô phải khắc phục các khó khăn một cách kiên định, ‘Và do đó không được đồng hóa điều vẫn được biết như ‘luật tiệm tiến’ hay luật tiến từng bước với ‘sự tiệm tiến của luật lệ’, như thể có những mức độ hay hình thức giới luật khác nhau trong lề luật Thiên Chúa cho từng cá nhân và hoàn cảnh khác nhau” (FC, số 34).
Theo Cha Legge, điều Đức Gioan Phaolô II gọi là “luật tiệm tiến” không có ý nói tới việc “tiệm tiến” quay lưng khỏi tội lỗi, mà nói tới tín lý trường cửu của Kitô Giáo mà ta chưa được hoàn hảo ở giai đoạn đầu của hồi tâm. Khi được ơn hồi tâm, ta dứt khoát từ bỏ tội lỗi rồi từ từ tiến trên đường thánh thiện. Ta vẫn có thể sa phạm tội trọng nữa, nhưng nhờ ơn thánh, ta ăn năn rồi khởi đầu lại như mới. Ăn năn là phải dứt khoát từ bỏ tội lỗi với quyết tâm chừa cải; không ăn năn là chưa tiếp nhận được lòng thương xót của Chúa và do đó, chưa được tha thứ (Sách Giáo Lý số 1451; DH số 1676).
Dù sao, THĐ cũng chỉ là một cơ chế tham vấn, không hẳn là cơ chế quyết định. Đọc phúc trình của nó qua các bản tóm lược như thế này nghe ra có cái gì rờn rợn, vẽ ra trước mắt một cuộc khủng hoảng còn sâu sắc vạn lần hơn cuộc khủng hoảng hôn nhân và gia đình, nhưng nghĩ cho cùng mục tiêu của nó chỉ là nêu vấn đề để toàn thể Giáo Hội cùng suy nghĩ và đóng góp ý kiến từ nay tới ngày THĐ thông thường sẽ được tổ chức một năm sau. Muốn kích thích khối người lên tới cả tỷ hiện nay chịu suy nghĩ và đóng góp, không gì bằng đụng tới những điều xem ra cốt lõi đối với họ, chứ khơi khơi nhẹ nhàng “bàn vớ bàn vẩn” làm sao kích thích được họ?
Dù cho THĐ năm 2015 có quyết định như thế nào chăng nữa, thì người cầm chịch cuối cùng vẫn là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người từng ca ngợi vị tiền nhiệm Phaolô VI xa xôi của mình, không những thế còn sẽ phong chân phúc cho vị giáo hoàng này nữa, vào ngay lúc kết thúc THĐ đặc biệt lần này, như một nhắc nhở THĐ và toàn thể dân Chúa rằng: quyết định tối hậu về bất cứ vấn đề nào vẫn là của người kế vị Thánh Phêrô. Chân lý này không ai thể hiện trọn vẹn bằng Đức Phaolô VI cách nay gần 50 năm, khi cho công bố thông điệp Humanae Vitae, ngược dòng với “lệnh truyền” của truyền thông thế tục, thậm chí của đại đa số các thành viên của ủy ban đặc biệt do chính ngài triệu tập để chuyên biệt cố vấn cho ngài về chủ đề này. Cái gương đảm lược trong lãnh đạo ấy đã được Đức Phanxicô hết lời ca tụng, chả lẽ ngài lại đạp dưới chân!
Trong Twitter thứ bẩy qua, ngài bảo ta hãy tin tưởng, sức mạnh các bí tích sẽ giúp ta vượt qua các trở ngại. Ý kiến để bàn thảo làm sao gọi được là trở ngại?
0nhận xét:
Đăng nhận xét