Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014
Hãy tìm kiếm sự nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và khiêm nhường. Hãy tránh xa Nhân Điện, Thiền, Yoga, Bói Toán, Huyền Bí, Dâm Ô, Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Tiền Tài, Danh Vọng, Lạc Thú.

Câu chuyện Đất Đai Cho Đức Mẹ Ở Măng Đen

Người đăng: Unknown | Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014|
Về Chuyện Đất Đai Cho Đức Mẹ Ở Măng Đen
Tâm tình của một linh mục Giáo Phận Kontum.
Tôi là Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, Sinh năm: 1941, Trên giấy tờ sinh năm 1943, như thế là 74 tuổi! Gia đình, ông bà tổ tiên thuộc tỉnh Bình Định.

Giáo Phận Kontum có giáo dân sinh sống trong hai tỉnh: Kontum và Gialai. Tổng số giáo dân khoảng 300 ngàn: 100 ngàn là người kinh và 200 ngàn là đồng bào các sắc tộc thiểu số. Giáo dân sắc tộc thiểu số có 8 thứ tiếng khác nhau.Tôi là linh mục Tổng Đại Diện của Giáo Phận Kontum đang làm việc tại tỉnh Gialai. Mỗi khi giáo dân có thắc mắc gì, có khó khăn gì trong đời sống đức tin, đời sống xã hội cũng thường chạy đến tôi. Tôi cùng hay góp ý, hướng dẫn giải thích… để mọi việc được sáng tỏ hơn. Vấn đề đất đai cho Đức Mẹ ở Măng Đen cũng thế…

Trước khi tỏ bày tâm sự, tôi xin được xác nhận:

* Với tuổi đời hơn 70, tôi đã sống qua nhiều chế độ tại quê hương đất nước mình, tôi cũng biết nhận định, biết phân biệt… và luôn nhận định với nhãn quan của một người tin vào Thiên Chúa toàn năng và làm chủ lịch sử.

* Là một linh mục Việt Nam, tôi yêu Hội Thánh Chúa và yêu quê hương đất nước tôi. Yêu nước là yêu thương đồng bào mình, yêu thương và giúp đỡ người nghèo, đau yếu và bệnh tật, làm sao cho người Việt được sống đạo đức, ăn ở ngay lành, đùm bọc lẫn nhau… để được nở mày nở mặt với thiên hạ nam châu.

* Giáo lý Công giáo dạy phải biết tôn trọng chính quyền. Chính quyền là do Chúa cắt đặt để lo cho dân, vì Chúa là chủ của lịch sử. Không tôn trọng chính quyền là không đúng với giáo lý Chúa dạy. Cho nên tôi xác định: Tôi luôn luôn tôn trọng chính quyền.

Và sau đây là tâm sự của tôi:

1. Tượng đài Đức Mẹ Măng Đen hiện nay:

a. Mỗi ngày đều có người đến cầu nguyện cùng Mẹ. Đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo không ai ngăn cản được. Tự do tôn giáo là ước mong chung của con người trong mọi nơi và mọi lúc.

b. Hằng năm vào ngày lễ ở Măng Đen: Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15/9, thường là mưa gió vì tháng 9 đang trong mùa mưa ở Tây Nguyên, nhưng vẫn có trên 20 ngàn con người không ngại mưa gió: Người Kinh, người Thượng, người trong Giáo Phận, ngoài Giáo Phận, xe lớn, xe nhỏ… hân hoan tập trung về mừng kính Mẹ ở Măng Đen. Năm sau lại nhiều hơn năm trước.

2. Chủ trương cấp đất của Nhà nước cho nơi tượng đài Đức Mẹ.

Ai cũng vui mừng khi nghe tin Nhà Nước quyết định cấp đất. Ai cũng bảo có chủ trương của cấp trên, chắc mọi sự dễ được thi hành suông sẻ. Thông tin này được thông báo cho mọi người, con cái trong giáo phận, người ngoài giáo phận dễ chừng cũng được mấy năm rồi…

Có những cuộc họp cấp này, cấp nọ của cả hai bên: 1 bên là chính quyền, 1 bên là Giáo phận Kontum. Mọi sự tưởng chừng như sẽ hết sức dễ dàng vì đã có chủ trương của cấp trên, nhưng cho đến nay thì chưa phải như vậy. Phải chăng “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” không biết tại ai, nhưng thiệt thòi thì người dân gánh chịu, đến ngày mừng lễ là phải đứng dưới mưa! Lễ đài làm xong lại phải tháo bỏ ngay.

Nghe đâu bên giáo phận đã làm hết mọi sự được đề nghị. Có khi còn xót điều gì chưa làm nữa chăng?

Theo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo: Giám mục cai quản giáo phận, các linh mục chăm sóc các giáo xứ cũng có thời gian nhất định. Bất cứ dự án nào của giáo phận được đưa ra, phải có ý kiến của Hội Đồng linh mục, ý kiến của giáo dân Kinh Thượng, nếu được chấp thuận thì có thể được thực hiện trong nhiều đời giám mục, nên dự án nào cũng phải được xây dựng, quy hoạch với tấm nhìn và phát triển xa đến 50-100 năm, để không phải thay đổi nhiều trong tương lai.

Tâm lý thông thương: một bên là “xin”, một bên là “cho”, một bên là “cấp”, một bên là “nhận”, thì bên “cho”, bên “cấp” được coi là bên có quyền! Ở đây, xét cho kỹ thì hai bên đều được coi là bên “cho”, bên “cấp”.Hãy nhìn các nơi được coi là trung tâm hành hương của các tôn giáo trong nước. Bái Đính ở Ninh Bình, La Vang ở Quảng Trị, Tà Pao ở Bình Thuận, mộ cha Trương Bửu Diệp ở An Giang… đã đem lại rất nhiều lợi ích cho con người và sự phát triển ở các địa phương đó. Trước tiên là mặt tinh thần: Tôn giáo đều dạy người ta ăn ngay ở lành. Con người vẫn cần ơn trời: “Lạy Trời mưa xuống…”. Xét về mặt xã hội nhờ những đoàn du khách và giáo dân, tín đồ trong và ngoài người tìm về; người dân địa phương của những nơi đó được hưởng lợi nhiều hơn về kinh tế, thu nhập nhiều hơn cho đời sống gia đình mình.

Trên thế giới, những nơi như Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp, Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha… vốn dĩ là những vùng quê hẻo lánh, nhưng hàng năm đã thu hút một lượng du khách khổng lồ về cho Nước Pháp và Bồ Đào Nha, mang về cho Đất nước họ một lượng ngoài tệ không nhỏ.

3. Nên cấp ít hay nhiều?

Theo tinh thần của Nhà Nước bây giờ: đất đai là của toàn dân, Nhà nước quản lý. Các tôn giáo đều có đền đài, miếu mạo để thờ phượng … Vì thế đều có nhu cầu về đất để xây dựng các công trình tôn giáo.

Đất nơi có tượng đài Đức Mẹ Măng Đen là đất rừng, huyện Konplong là một huyện “vùng sâu, vùng xa”, nghe đâu là Huyện chỉ có 20 ngàn dân. Cả tỉnh Kontum có khoảng 480 ngàn. Tỷ lệ giáo dân Công Giáo của tỉnh Kontum là cao nhất nuớc: 35% (so với cả nước: 7%). Người công giáo trong tỉnh Kontum là 160 ngàn: Kinh khoảng 25 ngàn, Thượng khoảng 135 ngàn.

Người Thượng có đạo ở tỉnh Kontum hầu như chỉ theo 2 tôn giáo Công Giáo và Tin Lành, không theo một tôn giáo nào khác.

Rừng núi mênh mông, tỉnh Kontum hầu như chỉ theo 2 tôn giáo Công Giáo và Tin Lành, không theo một tôn giáo nào khác.

Rừng núi mênh mông, tỉnh Kontum có đến gần 10.000 Km2. Huyện Đăk Glei lớn gấp rưỡi tỉnh Hưng Yên! (Đăk Glei: 1.495 km2, Hưng Yên: 923 km2)

Nghe đâu, khi được hỏi, Giáo Phận Kontum tỏ ý muốn được nhận 20 hecta. Xin như vậy là nhìn đến tương lai xa, đủ diện tích để xây dựng: Tượng Đài, nhà thờ, nhà xứ, nhà hành hương, nhà tĩnh tâm, nơi đậu xe, khuôn viên cây cảnh yên tĩnh để tâm hồn gặp được Chúa, để suy nghĩ, để cải tà quy chánh…

Đã có nhiều cuộc họp, gặp gỡ, trao đổi… Nghe đâu ban đầu được quyết định cấp 10 hecta, đã được 2 bên xác định vị trí, đo đạc. Nghe thế gần 300 ngàn giáo dân trong 2 tỉnh Kontum và Gialai đều vui mừng chờ đợi. Nỗi vui mừng chẳng được bao lâu! Rồi lại nghe sẽ cấp còn gần 8 hecta! Rồi bây giờ nghe nói chỉ còn chưa tới 4 hecta!!! Hy vọng đó chỉ là những lời đồn đại không có cơ sở!

Ở Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), Nhà Nước sẵn sang dành cho một quỹ đất hơn 20 hecta. Ở Măng Đen, một vùng rừng núi mênh mông, một quỹ đất dành cho Đức Mẹ Măng Đen phải 10 hecta trở lên mới là thích đáng và phù hợp với sự phát triển của “Thành Phố KonPlong” trong 50, 100 năm sau. Hãy nhình về một tương lai phát triển của KonPlong!

4. Nên cấp 1 lần:

Hội Thánh Công Giáo đã trải qua hơn 2000 năm lịch sử, có những công trình xây dựng hàng 100 năm mới xong. Lịch sử giáo phận Kontum đến nay là 166 năm (1848 – 2014). Ngay trong thành phố Kontum, những công trình xây dựng như: Nhà Thờ Gỗ 1913 (100 năm), Chủng viện Thừa Sai 1934 (80 năm) … đều là những địa điểm rất được du khách trong nước và ngoài nước chú ý tham quan. Sau này Trung Tâm Đức Mẹ Măng Đen cũng thế. Phải có vài thế hệ, nhiều đời Giám Mục góp công xây dựng độc đáo của các tôn giáo luôn góp phần tô điểm cho đất nước tươi đẹp. Cho nên quỹ đất của Trung Tâm Đức Mẹ Măng Đen nên được cấp một lần là cần thiết cho quy hoạch lâu dài.

5. Đức Mẹ Măng Đen là nơi của niềm tin tôn giáo:

Dứt khoát không được xem coi nơi này là nơi chỉ để tham quan du lịch mà thôi. Mọi người có niềm tin tìm tới Đức Mẹ xin ơn an bình, kể cả người ngoài Công giáo. Họ tìm đến với Đức Mẹ không phải là để tham quan du lịch. Tham quan du lịch là đi thưởng lãm cảnh đẹp.hoặc di tích lịch sử mỹ thuật, không ai tìm tới bước tượng cụt tay, không mỹ thuật để gọi là đi du lịch.

Thị Trấn KonPlong sẽ có rất ít người tìm đến hơn nếu không có tượng Đức Mẹ Măng Đen. Đó là điều hiển nhiên. Nhiều người ở xa tìm về, nhiều người ở nước ngoài cũng tìm đến, kể cả người ngoại quốc tìm đến với Mẹ Măng Đen. Vì sao? Vì niềm tin!

Nơi hành hương nào của người Công Giáo cũng có thánh lễ, có cầu nguyện. Vì thế, phải có linh mục, có nhà thờ, nhà xứ, nhà cho người phục vụ, cho khách hành hương, những công trình phục vụ, ánh sáng, nước sạch, nhà vệ sinh, cho số đông người là rất cần thiết. Nhưng nơi tượng đài Đức Mẹ hiện nay chưa đáp ứng được những nhu cầu cần thiết này.

6. Quyết định mọi việc trong giáo phận:

Mỗi giáo phận trên thế giới đều có một Giám mục cai quản, như một người làm chủ trong gia đình. Chung quanh Giám Mục luôn có linh mục đoàn, có Ban Tư vấn của Giáo Phận gần kề Giám Mục để góp ý với Giám mục trong mọi vấn đề của Giáo Phận. Vai trò của người giáo dân trong giáo phận cũng rất quan trọng, cũng giống như tổ chức xã hội và thường được nghe như: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các linh mục chánh xứ phải thông tin cho giáo dân biết rõ ràng mọi việc trong Giáo phận hoặc trong Hội Thánh. Người giáo dân là những quan xét xử gắt gao nhất. “Trăm đâu đổ đầu tằm”. Chính Giám mục là người có tiếng nói quyết định, sau khi trao đổi, bàn bạc với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận.

7. Phải tin nhau:

Một trong những điều quan trọng và cần thiết nhất cho việc hợp tác là lòng tin. Lòng tin được xây dựng và củng cố là nhờ việc 2 bên thực hiện đúng những cam kết với nhau. Khi 2 bên cùng cố gắng thực hiện tốt nhất những quyết định đã đề ra, thì việc bồi đắp lòng tin với nhau ngày càng tốt hơn. Cả hai bên sẽ đưa mối quan hệ ngày càng tin tưởng và hiểu nhau hơn.

Như một hành động chứng tỏ thiện chí, để hấp dẫn các nhà đầu tư đến với huyện Kon Plong, các cấp chính quyền cần phải tin tưởng và mạnh dạn trao cho Giáo Phận Kontum quỹ đất cần thiết để xây dựng một Trung Tâm Hành Hương như mọi người mong ước.

8. Cầu nguyện cho nhau:

Mọi vài suy tư, một vài tấm lòng yêu mến Đức Mẹ, yêu mến con người và cảnh vật của Tây Nguyên. Tôi thật tâm cầu nguyện và mong muốn một ngày nào đó gần đây thôi, chúng ta có thể nhìn thấy một Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen thật bề thế, thật xin đẹp, tại một “thành phố Du lịch KonPlong”. Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Măng Đen sẽ là một điểm thu hút những người yêu mên Đức Mẹ và qua đó tìm đến những cảnh đẹp của KonPlong, của Kontum và của Việt Nam.

Xin cầu nguyện cho nhau để tất cả chúng ta cùng nhận được những điều tốt đẹp nhất do Thiên Chúa ban cho.

Pleiku 07/2014
Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông
(WGP.Kontum 21.10.2014)
  • Xem Thêm:
    • Lời Nhắn Của Bạn
    • Bình Luận Bằng Facebook

    0nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed:Câu chuyện Đất Đai Cho Đức Mẹ Ở Măng ĐenRating:5Reviewed By:Unknown