Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015
Hãy tìm kiếm sự nhỏ bé, đơn sơ, nghèo hèn và khiêm nhường. Hãy tránh xa Nhân Điện, Thiền, Yoga, Bói Toán, Huyền Bí, Dâm Ô, Rượu Chè, Trai Gái, Cờ Bạc, Tiền Tài, Danh Vọng, Lạc Thú.

Lm Phạm Đức Hậu: Bài 1 - Thời Giờ Đã Mãn

Người đăng: Unknown | Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015|

Thờ giờ đã mãn! Ngày tận thế - ngày cánh chúng- ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang để ban ơn cứu độ cách trọn vẹn và vĩnh viễn cho con người đã gần kề. Ngày đó có đáng sợ không? Với người thực sự có niềm tin vào Chúa, ngày đó không phải là ngày sợ hãi. Trái lại, đó là ngày hạnh phúc tràn đầy vì niềm hy vọng ơn cứu chuộc trở thành hiện thực như lời Chúa Giêsu đã nói: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28).
Chúa Giêsu, khi còn tại thế, đã nhiều lần nhắc nhở con người phải tỉnh thức để có thể đọc biết những dấu chỉ Chúa gửi đến và chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa khi Ngài đến. Dựa vào đâu để nói con người thời nay đang ở thời kỳ cuối cùng trước ngày Chúa đến? Thưa, dựa vào cảnh báo của Lời Chúa, của Đức Mẹ, và của các Giáo Hoàng, có lý do chính đáng để tin rằng ngày Cánh Chung đã gần kề.

1. Cảnh báo của Kinh Thánh.
Dấu hiệu trong trời đất.

Nói về thời cánh chung, thánh Mathêu cảnh báo: “Sẽ có chiến tranh giặc giã. Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có đói kém và những trận động đất ở nhiều nơi..” (Mt 24, 6-7). Có người sẽ nói, những dấu hiệu này thì thời nào mà chẳng có. Vậy mà có thấy Chúa đến đâu! Đúng vậy. Nhưng những dấu hiệu này đặt vào trong bối cảnh những lời cảnh báo của Đức Mẹ và của các Giáo Hoàng như sẽ nói dưới đây, chúng sẽ trở nên đáng tin hơn. Về chiến tranh, chưa từng có cuộc chiến nào trong quá khứ và hiện tại lại huỷ diệt nhiều nhân mạng như 2 cuộc thế chiến 1 và 2 trong thế kỷ 20. Những cuộc diệt chủng người Do Thái, Campuchia, các bộ tộc Tutshi và Hutu bên Phi Châu và vô số các cuộc chiến tranh vì lý do sắc tộc và tôn giáo khác…rồi đến các trận động đất, sóng thần trong suốt thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21…mức độ khủng khiếp của những thiên tai và nhân tai này đều là chưa từng có trong lịch sử. Tất cả những điều này đã làm cho những lời cảnh báo của Kinh Thánh được ứng nghiệm đến từng chữ. Tuy nhiên, “tất cả những sự việc này mới chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mt 24,8) mà thôi.
Mặt Trăng biến thành đỏ như máu ngày 15/4/2014

Tiếp đến, Ngôn Sứ Giô-el cảnh báo: “Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi Ngày của Ðức Chúa xuất hiện, Ngày vĩ đại, kinh hoàng.” (Ge 3,4)Sách Tông Đồ Công Vụ cũng nhắc lại những lời tương tự: “Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Ðức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang.” (Cv 2,20)

Tin Mừng Thánh Mathêu: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mt 24, 29). Sách Khải Huyền còn nói cụ thể hơn: “mặt trời sẽ ra tối đen như vải thợ dệt bằng lông và mặt trăng hoàn toàn ra máu” (Kh 6, 12). Biết bao vụ sao sa, mưa thiên thạch đã rơi xuống gây hoảng loạn cho dân chúng. Tiêu biểu là vụ thiên thạch khổng lồ rơi xuống ở Nga ngày 15-2-2013, việc sấm sét kinh hoàng giáng xuống mái vòm Đền Thờ Thánh Phê-rô ngay sau khi Giáo Hoàng Benedicto XVI loan tin từ chức, những dấu hiệu từ trời này khiến nhiều người liên tưởng đến cảnh báo về ngày tận thế.
Một dấu chỉ lạ lùng đã và sẽ xảy ra trong năm 2014 và 2015 này: 4 lần nguyệt thực toàn phần (mặt trăng sẽ trở nên đỏ như máu) xảy ra liên tiếp và cách nhau 6 tháng một lần. Chen vào giữa 4 lần nguyệt thực toàn phần này, sẽ có 2 lần nhật thực toàn phần (mặt trời sẽ trở nên tối đen). Sự kiện 4 lần nguyệt thực toàn phần xảy ra liên tiếp nhau đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Nhưng lần này là lạ lùng và đáng suy nghĩ nhất vì chúng xảy ra trùng vào các ngày lễ của người Do-thái: lễ Vượt Qua và lễ Lều. Sau đây lã thứ tự của chuỗi nguyệt – nhật thực toàn phần đã và sẽ xảy ra:
- Nguyệt thực lần 1: ngày 15/4/2014: trùng vào lễ vượt qua.
- Nguyệt thực lần 2: ngày 8/10/2014: trùng vào lễ lều.
o Nhật thực lần 1: ngày 20/3/2015
- Nguyệt thực lần 3: ngày 2/4/2015: trùng vào lễ vượt qua.
o Nhật thực lần 2: ngày 13/9/2015
- Nguyệt thực lần 4: ngày 27/9/2015: trùng vào lễ lều.

Kinh Thánh đã minh nhiên đề cập đến việc Chúa dùng tinh tú trên bầu
trời để làm dấu hiệu cho con người nhận biết Chúa. Sách Sáng Thế Ký nói về việc Chúa tạo dựng các tinh tú trên trời để làm Dấu Hiệu cho con người xác định các ngày lễ (St 1, 14). Thánh Mathêu nói đến việc Chúa dùng ánh sao để dẫn đường cho các Đạo Sĩ đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu (Mt 2, 1-12). Vậy những lần nguyệt thực và nhật thực liên tiếp xảy ra trên nói gì với chúng ta? Phải chăng đó là dấu hiệu để nhận biết ngày giờ Chúa đến như Kinh Thánh đã nói?
Sông Yangtze ở TQ hoá đỏ như máu hồi tháng 9/2012

Biển ở Úc hoá đỏ như máu

Một hiện tượng lạ lùng mới xảy ra gần đây, nhiều con sông trên thế giới như ở Slovakia, Thuỵ Sỹ, Anh, Bungari, Cộng Hoà Séc, Trung Quốc, cả bãi biển ở Úc…đã trở nên đỏ như máu một cách khó hiểu, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi, phải chăng đây là dấu hiệu về thời cùng tận như được nói đến trong Kinh Thánh (Tv 78,44; Tv 105, 29; Kh 8,8 và Kh 16,4) 

Dấu hiệu trong đời sống đức tin.

Nếu những dấu hiệu trong trời đất là những cảnh báo mang tính khởi đầu thì những dấu hiệu liên quan đến đời sống đức tin là những cảnh báo mang tính chung cuộc. Tức ngày Chúa đến đã gần ngay trước mặt rồi. Phải ngay lập tức chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng kẻo trở tay không kịp.
Những dấu hiệu liên quan đến đời sống đức tin là gì? Đó là sự xa rời và phản bội niềm tin vào Thiên Chúa, sự đoạn tuyệt với đức tin đã được gìn giữ và rao truyền qua các thế hệ. Thánh Phaolô gọi đích danh đó là “cuộc cách mạng – revolt” hay “sự chối đạo – apostasy” như sẽ nói dưới dây. Những cuộc cách mạng hay chối đạo này xảy ra ngay trong chính Giáo Hội hữu hình của Chúa Kitô. Đây là hậu quả của ngôn sứ giả và tên phản Kitô của thời kỳ cuối.
Trước tiên chúng ta nhớ đến câu nói có vẻ thách thức của Chúa Giêsu: “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy niềm tin trên mặt đất nữa chăng?”(Lc 18,8). Qua câu nói này, Chúa Giêsu dường như thấy trước rằng vào thời kỳ cuối cùng, số người còn niềm tin thực sự sẽ không nhiều.
Tiếp theo, trong Tin Mừng Thánh Mathêu, Chúa Giêsu nhắc nhở: “Khi anh em thấy đặt trong nơi thánh Đồ Ghê Tởm Khốc Hại mà ngôn sứ Đa-ni-en đã nói đến – người đọc hãy lo mà hiểu.” (Mt 24, 15). Rồi Chúa cảnh báo tiếp: “sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24, 23-25).
Những ngôn sứ giả và Kitô giả này đến từ đâu? Thưa chúng xuất thân từ trong chính hàng ngũ của chúng ta, trong Giáo Hội như Thánh Gio-an đã nói: “Chúng – những tên phản Kitô - xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta.” (1Ga 2,19).
Mạnh mẽ và rõ ràng nhất phải kể đến những lời của Thánh Phaolô. Khi nói về những việc phải xảy ra trước ngày Chúa quang lâm, Thánh Phaolô nhấn mạnh:
Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó cònngồi trong Ðền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Khi tôi còn ở với anh em, tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao? Anh em biết cái gì hiện đang cầm giữ nó, khiến nó sẽ chỉ xuất hiện được vào thời của nó. Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoanh hành rồi. Chỉ đợi người cầm giữ nó bị gạt ra một bên, bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giêsu sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm.
Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án. (2 Tx 2, 3-11).
Cần lưu ý một vài khái niệm trong đoạn thư này của Phaolô:
- Hiện tượng chối đạo – Apostasy/Revolt: Thánh Jerome chú giải đây là việc đánh mất niềm tin ( a loss of faith) hay việc từ bỏ sự phụng thờ chân thật đối với Thiên Chúa (a defection from true worship of God).[1]
- Người gian ác, đứa hư hỏng: Bản dịch New American Bible gọi đó là “the lawless one – người vô kỷ luật”. Còn Thánh Jerome gọi đó là “man of rebellion – kẻ nổi loạn”.[2]
- Đền thờ Thiên Chúa: theo Thánh Jerome, đây không có chút dính dáng gì đến đền thờ Jerusalem, vốn đã bị phá huỷ từ năm 70.[3] Vậy thì đó là đền thờ nào? Theo Đức Hồng Y Henry Edward Manning (1802-1892), khi chú giải về đoạn thư này của Thánh Phaolô, ngài giải thích: Đền Thờ Thiên Chúa ở đây được hiểu là vương quốc trần gian của Thiên Chúa, là Giáo Hội duy nhất và phổ quát do Chúa Kitô thiết lập và được các tông đồ loan báo cho muôn dân. Chính vương quốc siêu nhiên này chứa đựng kho tàng đức tin, lề luật và ân sủng của Thiên Chúa.[4] Còn cha Herman Kramer hiểu Đền Thờ Thiên Chúa mà Thánh Phaolô nhắc đến ở đây chính là đền thờ Thánh Phê-rô ở Rôma. Vì đây là đền thờ lớn nhất trên trần gian và xứng đáng được gọi là Đền Thờ Thiên Chúa theo đúng nghĩa nhất của danh xưng này.[5]

Như vậy, theo những lời Kinh Thánh vừa trình bày, nhất là theo Thánh Phaolô, trước ngày Chúa đến, phải có hiện tượng phản bội niềm tin, người ta phải thấy tên gian ác, đứa vô kỷ luật, kẻ nổi loạn, tên phản Kitô, xuất hiện và ngồi trong đền thờ Thiên Chúa. Cần phải có sự tỉnh thức và ơn khôn ngoan của Chúa để có thể nhận biết tên phản Kitô và đồng bọn của hắn.

2. Cảnh báo của Đức Mẹ.

Trong lần hiện ra tại La Sallette, Pháp, ngày 19/9/1846, Đức Mẹ đã cảnh báo những lời kinh ngạc sau: “Rôma sẽ mất niềm tin và trở thành ngai toà của tên phản Kitô. Giáo Hội sẽ trở nên lu mờ.” (Rome will lose faith and become the seat of the Anti-christ. The Church will be in eclipse.)
Lời tiên tri sửng sốt trên đây của Đức Mẹ khiến chúng ta liên tưởng đến chương 17 và 18 của sách Khải Huyền, trong đó nói về “con điếm khét tiếng” tượng trưng cho “thành vĩ đại nắm quyền thống trị vua chúa trần gian.” Thành vĩ đại đó được xây trên thành phố bảy ngọn đồi – tức Rôma[6]. Con điếm khét tiếng này sắm vai là một giáo hội giả và hiền thê giả của Đức Kitô sẽ trỗi dậy trong thời sau cùng để lừa dối mọi người và làm suy yếu Giáo Hội thật xuống còn chỉ là một số nhỏ sót lại.
Tiếp đến, trong những lần hiện ra ở Fatima, Bồ Đào Nha, năm 1917, Đức Mẹ cũng cảnh báo chúng ta về ngày chung thẩm đã gần kề. Vì thế, Mẹ đã nhắn nhủ chúng ta phải “ăn năn đền tội, tôn sùng trái tim Mẹ, và siêng năng lần chuỗi mân côi.” Đáng chú ý là bí mật thứ ba Fatima nói đến hình ảnh một vị “Giám Mục Áo Trắng” chạy trốn lên một ngọn đồi…Bí mật thứ ba này có liên hệ gì với việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI?

3. Cảnh báo của các Đức Giáo Hoàng (ĐGH).

Tiếp sau lời cảnh báo của kinh ngạc của Đức Mẹ tại La Sallette, Pháp, như đã nói trên, những giáo huấn và các thị kiến (vision) của các ĐGH Leo XIII, Pio X, và Pio XII, cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

ĐGH Leo XIII:

Đúng 33 năm trước phép lạ cả thể, mặt trời quay, xảy ra tại Fatima năm 1917, ngày 13/10/1884, ĐGH Leo XIII, ngay khi vừa kết thúc thánh lễ trong nhà nguyện riêng ở Vatican cùng với một số Hồng Y và nhân viên Giáo Triều, đã được chứng kiến một thị kiến khiến khuôn mặt ngài tái mét và té xỉu xuống sàn nhà như người bị đột quỵ. Sau mấy phút có vẻ như bị hôn mê ấy, ngài tỉnh lại và nói với những người xung quanh rằng: ôi! Tôi mới được chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng khôn tả xiết. Khi được hỏi điều gì đã xảy ra, ngài kể rằng ngài được nghe thấy một cuộc đối thoại giữa hai giọng nói phát ra từ phía gần Nhà Tạm. Một giọng nói ồm oàm xấc láo của Satan và một giọng nói nhẹ nhàng của Chúa Giêsu:
- Satan: tôi có thể phá huỷ giáo hội của ông!
- CGS: nếu có thể, ngươi hãy đi và làm như vậy.
- Satan: nhưng tôi cần thêm thời gian và quyền lực.
- CGS: ngươi cần bao nhiêu thời gian? Bao nhiêu quyền lực?
- Satan: tôi cần từ 75 năm đến 100 năm và quyền lực của những người theo phục vụ tôi.
- CGS: vậy ta cho ngươi thời gian và quyền lực. Hãy làm điều ngươi muốn.
Ngay sau khi được thị kiến này, ĐGH Leo XIII tin rằng quyền lực của Satan sẽ lộng hành và tấn công Giáo Hội cách ghê gớm trong những năm sau đó. Bị rúng động bởi thị kiến và viễn tượng về tai ương đang đe doạ Giáo Hội, ĐGH Leo XIII đã soạn một Kinh cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và truyền cho toàn thể Giáo Hội phải đọc kinh này ngay sau mỗi thánh lễ, để xin Tổng Lãnh Thiên Thần gìn giữ và bảo vệ Giáo Hội. Không hiểu vì sao, đến thời Công Đồng Vatican 2, chính xác là năm 1964, thì lời Kinh này hầu như biến mất trong Giáo Hội. Dưới đây là bản phỏng dịch lời Kinh này: 
Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, / xin hãy bênh vực che chở cho chúng con trong chốn chiến trường/, cùng nên như thành lũy vững bền cho chúng con trông cậy / và chống trả các möu saâu chước độccuûa ma qủy/. Chúng con sấp mình xuống / xin Đúc Chúa Trời ngăn cấm thần ngụy ấy./ Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae / là tướng quân cai quản cơ binh trên trời,/ kìa satan và thần dữ đang rảo khắp thiên hạ / hòng làm hư loài người chúng con, / xin người lấy phép Đức Chúa Trời mà xua đuổi chúng xuống hỏa ngục đời đời. / Amen.
Bản tiếng Anh:
Saint Michael, the Archangel, defend us in battle. Be our protection against the wickedness and snares of the devil. May God rebuke him, we humbly pray; and do you, O Prince of the heavenly host, by the power of God cast into hell Satan and all the evil spirits who roam throughout the world seeking the ruin of souls. Amen.

ĐGH Pio X:

Lên kế vị ĐGH Leo XIII, trong Thông Điệp E SUPREMI (Phục Hồi Vạn Vật Trong Đức Kitô) ban hành ngày 4/10/1903, ĐGH Pio X dạy rằng: “…Khi suy xét về tất cả những điều này (những gì đang xảy ra trong thế giới), có lý do chính đáng để lo sợ rằng sự suy đồi khủng khiếp này đã xuất hiện trong thế giới, đây là một cảm nghiệm trước và cũng là khởi đầu của những tai ương vốn được dành cho thời cuối cùng, và dường như đã xuất hiện trong thế giới “Kẻ Bị Kết Án – Son of Perdition” mà vị Tông Đồ đã nói đến trong thư gửi tín hữu Thexalonica (2Tx 2, 3). Giờ đây, cơn giận giữ cuồng nộ đang lan tràn khắp nơi trong việc bách hại tôn giáo, trong việc giao chiến với những chân lý đức tin, trong những nỗ lực vô liêm nhằm bứng tận gốc rễ và tiêu diệt mọi liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Cũng theo vị Tông Đồ trên, tất cả những điều này là dấu hiệu phân biệt của tên phản Kitô, kẻ dám đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần; trong sự quỷ quyệt, dù hắn vẫn có sự hiểu biết về Thiên Chúa, hắn đã dám khinh miệt Thiên Chúa và biến cả hoàn vũ thành đền thờ để trong đó hắn được sùng bái. ‘Hắn ngồi trong đền thờ Thiên Chúa và xưng mình là Thiên Chúa (2 Tx 2,4)" (Trích Thông Điệp Phục Hồi Vạn Vật Trong Đức Kitô, số 5).

Ngoài ra ĐGH Pio X cũng đã có 2 thị kiến tương tự như thị kiến Fatima của chị Lucy. Năm 1909, trong buổi huấn dụ các tu sĩ Dòng Phan-xi-cô, ngài được thị kiến về một Giáo Hoàng đang chạy chốn khỏi Rôma. Ngài kể: điều tôi thấy thật là đáng sợ. Tôi sẽ chính là vị Giáo Hoang đó hay đó sẽ là vị kế vị tôi? Điều chắc chắn là vị Giáo Hoàng đó đang rời khỏi Rôma, và trong khi rời khỏi Vatican, ngài đi ngang qua thi thể của các linh mục anh em ngài.

Ngay trước khi qua đời, ĐGH Pio X lại được một thị kiến tương tự. Ngài kể, lần này tôi thấy một trong những người kế vị tôi, có cùng tên với tôi, đang chạy chốn ngang qua những thi thể của anh chị em mình. Ngài sẽ trú ngụ ở một nơi kín đáo nhưng sau một thời gian ngắn, ngài sẽ phải chết một cái chết đau đớn.

Cái tên được đề cập trong thị kiến không phải là tên một Giáo Hoàng cụ thể, Pio hay Benedict, đúng hơn đó là tên huý (given name) của một người đang là Giáo Hoàng và một người sau này sẽ làm Giáo Hoàng. Tên huý của ĐGH Pio X là Giuseppe nghĩa là Giuse. Tương tự, tên huý của ĐGH Benedicto XVI sau này cũng là Giuse. Vậy phải chăng vị Giáo Hoàng đang chạy chốn như trong thị kiến là ĐGH Benedicto XVI, người cũng có cùng tên huý là Giuse như ĐGH Pio X? Phải chăng ĐGH Benedicto XVI chính là vị “Giám Mục Áo Trắng” được nhắc đến trong Bí Mật Thứ Ba Fatima? Chính Đức Giám Mục Bùi Tuần cũng đã có linh cảm như vậy. Trong bài viết có tựa đề: “Việc Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI Từ Nhiệm Là Một Sứ Điệp Của Năm Đức Tin”, ngày 13/2/2013, ngài viết:
Khi sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI được coi là một sứ điệp của Năm Đức Tin, thì sứ điệp này không chỉ là một bài học, mà còn là một cảnh báo. Cảnh báo về một tương lai sẽ có những bất ngờ gây bàng hoàng sửng sốt. Có thể sẽ xảy ra những biến cố về sự bước xuống đau đớn và cảnh chịu đóng đinh vào thánh giá. Nơi ít nơi nhiều, những bất ngờ đau đớn đó sẽ xảy ra.
Với những bài học và những cảnh báo, sứ điệp Năm Đức Tin tiềm ẩn trong sự từ chức của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI rất đáng được chúng ta suy nghĩ trong thinh lặng nội tâm, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Cần suy nghĩ nghiêm túc, để điều chỉnh lại đời sống một cách mau lẹ. Kẻo, khi những bất ngờ đau đớn xảy tới mới tìm hướng đi, thì sẽ quá muộn.
Cần thức tỉnh mau lẹ. Đừng trì trệ, dửng dưng, khô cứng. Kẻo giờ Chúa đến bất ngờ, mà chưa chuẩn bị, thì sẽ không kịp theo Chúa đi vào Nước Trời.
Bất ngờ tiếp nối bất ngờ. Sứ điệp trong sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mới chỉ là khởi đầu. Ở đây, tôi nhớ tới những khủng khiếp, mà Đức Mẹ đã tiên báo ở Fatima.

ĐGH Pio XII:

Trong suốt triều đại của Đức Piô XII (1939-1958) thỉnh thoảng vẫn có tin đồn rằng ngài được thị kiến những hiện tượng “thiên sứ”. Ngài công khai trải qua những thị kiến về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Người ta kể rằng sau một lần thị kiến như vây ĐTC nói với một người phụ tá của ngài rằng: “Loài người phải chuẩn bị chịu đựng đau khổ như chưa từng có bao giờ."

Ngài tỏ vẻ sợ hãi những biến cố sẽ xảy đến cho nhân loại trong một tương lai không xa, mô tả những thời điểm đó như là những giai đoạn “đen tối nhất kể từ thời kỳ Đại Hồng Thủy”. Ngài coi những thời kỳ ấy như là một thời đại xung đột tinh thần to lớn. Ngài nói: “Giờ đã điểm - chiến trận đã lan rộng, cực kỳ tàn khốc đau thương hơn bao giờ hết đang diễn ra. Chúng ta phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng!” 
Đức Piô 12 đã nói như vậy sau khi tiếp xúc - qua một số người trung gian - với Chị Nữ Tu Lucia, người thị kiến cuối cùng còn sống lúc đó. Hình như sau những cuộc tiếp xúc này, Đức Thánh Cha đã thánh hiến Giáo Hội hoàn vũ và toàn thể thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ năm 1942, kín đáo chấp nhận các thị kiến của Chị Nữ Tu Lucia tại Tu-y và Pontevedra vào cuối thập niên 1920 là xác thực. Vào cuối thập niên 1940 ngài được Chị Lucia cho biết rằng vì toàn thể Hội Đồng Giám Mục Thế Giới không đồng thanh thánh hiến nước Nga, nên những đau khổ được tiên báo tại Fatima sẽ có thể được giảm thiểu nếu thế giới được tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria. Nếu một lần nữa thế giới được tận hiến với sự đồng ý của toàn thể hội đồng giám mục và lần này tên nước Nga được nhắc đến trong lời tận hiến thì những đau khổ tiên báo có thể được giảm bớt.
Để tái xác nhận sự tín thác của ngài đối với Đức Mẹ Thiên Chúa, ngài cũng được chứng kiến hiện tượng khó lòng diễn tả mặt trời quay tại Fatima khi ngài đang tản bộ trong công viên Vatican. Ngài viết cho một trong các vị hồng y của ngài như sau: “Khi vừa cầm tập hồ sơ trên tay, một hiện tượng chưa từng thấy từ trước đến nay khiến tôi sững sờ. Mặt trời lúc đó đã lên khá cao bỗng trở thành một hình cầu màu vàng nhạt chung quanh có hào quang rực rỡ, khiến tôi chăm chú theo dõi nhìn mà không bị chóa mắt. Một đám mây mỏng che trước mặt trời, rồi trái cầu mờ đục bắt đầu di chuyển ra khỏi đám mây, từ từ quay và chuyển dịch từ trái qua phải rồi quay ngược lại, và ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng những chuyển động mạnh không ngừng bên trong trái cầu.” 

Kết Luận:
Qua những gì vừa trình bày, người viết cũng cảm thấy có lý do để tin rằng, nhân loại đang ở trong thời kỳ cuối cùng trước khi Chúa đến. Thời gian không còn nhiều. Hãy tỉnh thức và lắng tiếng Chúa nói với chúng ta qua các biến cố đang xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới. Hãy nhớ lời thánh tông đồ Phaolô quả quyết rằng: trước ngày Chúa đến, phải có sự phản bội niềm tin trong lòng Giáo Hội, phải có sự xuất hiện của kẻ gian ác và đứa hư hỏng trong đền thờ của Thiên Chúa. Hãy nhớ lời Đức Mẹ cảnh báo: Rôma sẽ mất đức tin và trở thành ngai toà của tên phản Kitô. Nhớ những lời dạy, những thị kiến của các ĐGH, và cũng suy nghĩ về linh cảm của Đức Cha Bùi Tuần.
Trong những bài tiếp theo, người viết sẽ trình bày những giáo lý và giáo huấn ngàn đời của Giáo Hội đã bị thay đổi như thế nào kể từ sau lời cảnh báo của Đức Mẹ ở La Sallette, Pháp, ngày 19/9/1846. Những thay đổi lớn lao nhất bắt đầu xảy ra kể từ Công Đồng Vatican 2 (1962-1965) và tiếp trong những năm sau đó cho đến ngày nay. Những sự thay đổi này được thực hiện do ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và Tam Điểm vốn bị Giáo Hội kết án nặng nề.
Hãy lắng nghe những lời ngôn sứ đang vang lên đâu đó trong cuộc sống. Hãy lắng nghe bằng con tim và khối óc rộng mở. Đừng để cho luật lệ, sự hiểu biết cứng nhắc, và đức vâng lời mù quáng, khiến chúng ta thành những kẻ câm điếc, mù loà trước những lời mời gọi và những dấu chỉ Chúa gửi đến cho chúng ta hàng ngày. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng là không bao giờ thừa.
Nhớ bài học khi Chúa chuẩn bị đến lần thứ nhất trong biến cố Nhập Thể. Tại sao Chúa lại không truyền cho các vị lãnh đạo tôn giáo thời đó, các tư tế, luật sỹ, và thầy dạy, nhắc nhở dân chúng phải mau chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng Thiên Sai? Làm như vậy có phải là chắc ăn và dân chúng sẽ tin tưởng nghe theo không? Vì lời từ các đấng bề trên ban xuống là yên tâm rồi. Đó là ý Chúa chứ không còn phải nghi ngờ gì nữa. Đằng này Chúa lại cho ông Gioan Tẩy Giả, con của cặp vợ chồng già chẳng thế giá gì, lên tiếng kêu gọi mọi người hoán cải sửa lòng để đón Chúa. Một người lập dị, ăn châu chấu với mật ong rừng, chẳng qua trường lớp đào tạo gì, mà cũng bày đặt lên tiếng rao giảng! Lời của một người như vậy thì ai mà thèm để ý! Đó chỉ là tiếng kêu lạc lõng vọng lên từ sa mạc mà thôi!
Có thể nói, chính thói lệ luật và sự hiểu biêt cứng nhắc đã khiến cho dân Dothái xưa nên đui mù không nhận ra Chúa Giêsu. Họ đã dùng gian kế để kết án và đóng đinh Chúa Giêsu.
Vậy để sửa soạn cho việc Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, ai dám chắc Chúa lại không hành động giống như như xưa, đó là dùng những con người bình thường để loan truyền thánh ý ngài? Vì Chúa vốn hành động cách tự do và luôn tôn trong tự do của con người. Ai dám chắc con người thời nay sẽ không lặp lại sai lầm của dân Dothái xưa là cũng giả điếc ngoảnh mặt làm ngơ trước lời Chúa nói qua các ngôn sứ của thời nay?
Nếu để ý, ta cũng thấy con con người hôm nay đang dành hết tâm trí họ cho danh-lợi-thú mà thôi. Chẳng ai thèm để ý đến những lời ngôn sứ và dấu chỉ cảnh báo của thời kỳ cuối! Quả vậy, trước ngày Chúa đến trong vinh quang, con người vẫn cứ mải mê trong việc thu tích của cải hư nát mà thôi. Nhớ lời Chúa Giêsu báo trước: "Thời ông Nôê thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy.” (Mt 24, 37-39)
Cuối cùng, xin nhớ rằng, tất cả những gì viết trong bài này cũng như các bài tiếp theo không có một mục đích nào khác hơn là, giúp gợi nhớ đến lời Chúa Giêsu căn dặn: PHẢI TỈNH THỨC. Tỉnh thức với những giáo lý sai lạc và thầy dạy giả hiệu. Tỉnh thức với những sự phản bội đức tin – apostasy – rất tinh vi của thời kỳ cuối mà Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và các Thánh Tông Đồ đã cảnh báo. Thái độ tỉnh thức giúp ta biết nhận ra thánh ý Chúa và biết chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa. Tỉnh thức và sẵn sàng không bao bị coi là thừa vì ngày giờ Chúa đến thì bất chợt như kẻ trộm đêm.

[1] The New Jerome Biblical Commentary, trang 873.
[2] The New Jerome Biblical Commentary, trang 873.
[3] The New Jerome Biblical Commentary, trang 874.


[4] Henry Edward Manning. “The Present Crisis of the Holy See – Cuoäc Khuûng Hoaûng Hieän Nay Cuûa Toaø Thaùnh”, 1961, trang 8-9.
[5] Herman Kramer. “The Book of Destiny – Saùch Soá Phaän”, 1975, trang 321.
[6] The New Jerome Biblical Commentary, trang1012.
Linh Mục Phạm Đức Hậu
Trích: Thời Giờ Đã Mãn
  • Xem Thêm:
    • Lời Nhắn Của Bạn
    • Bình Luận Bằng Facebook

    0nhận xét:

    Đăng nhận xét

    Item Reviewed:Lm Phạm Đức Hậu: Bài 1 - Thời Giờ Đã MãnRating:5Reviewed By:Unknown