(TNO) Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm tại các thành phố lớn như Bangkok, Vientiane, TP.HCM đang trở nên trầm trọng hơn, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tại Hội thảo về tăng cường phổi hợp hành động trong quản lý nước khai mạc sáng nay, 4.6.
Thực trạng báo động trên được Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra tại Hội thảo về tăng cường phổi hợp hành động trong quản lý nước nhằm định hình chương trình nghị sự phát triển sau 2015 tổ chức tại TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre sáng nay, 4.6.
Tham dự Hội thảo có khoảng 180 đại biểu trong và ngoài nước, đến từ 53 thành viên ASEM và các tổ chức khu vực, quốc tế liên quan như Ủy hội sông Mekong, Ủy ban quốc tế về bảo vệ sông Danuyp, Chương trình thập kỷ về nước của Liên hợp quốc, Tổ chức Nông Lương, Ngân hàng Thế giới....
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quốc gia các quốc gia tăng cường nỗ lực chung ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó an ninh nguồn nước gắn với an ninh lương thực, an ninh năng lượng nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Đặc biệt, 2015 là năm then chốt hành động vì phát triển bền vững, nhất là khi cộng đồng quốc tế đang phấn đấu hoàn tất các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, trong đó nước là 1 trong 17 mục tiêu của chương trình nghị sự.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, quản lý tài nguyên nước không chỉ liên quan đến vận mệnh dân tộc mà còn tác động đến vận mệnh chung của khu vực. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về vấn đề nước trên thế giới đang nổi lên nhiều gam màu xám. Trên thế giới sự suy giảm đáng kể của nhiều lưu vực sông, trong đó có sông Mekong, Danuyp ngày càng gay gắt. Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm vốn chiếm 95% nguồn cung nước sạch toàn cầu, tại các thành phố lớn như Bangkok, Vientiane, TP.HCM trở nên trầm trọng hơn.
Cùng với tình trạng nước biển dâng, triều cường và xâm mặn gia tăng, 80% nước thải không qua xử lý đổ ra các con sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.
“Những năm vừa qua, chúng ta còn chứng kiến những hệ lụy tàn khốc của các thảm họa siêu thiên tai với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng chưa từng có, do biến đổi khí hậu. Đó là những trận lụt lịch sử ở Thái Lan các năm 2011 và 2012, ở châu Âu năm 2013, hạn hán ở Trung Quốc năm 2014, và đợt nóng kỷ lục đang diễn ra tại Ấn Độ và nhiều quốc gia", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu
"Ngay tại tỉnh Bến Tre, nước mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập sâu vào các con sông lớn, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân. Thực tế đó thúc giục chúng ta phải hành động. Ngay trong năm nay, cộng đồng quốc tế phải hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và hoàn tất xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”, Phó thủ tướng nói thêm.
Hội thảo sẽ dự kiến có 4 phiên thảo luận, trong đó tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các nội dung: nguồn nước trong chương trình nghị sự phát triển sau 2015, trao đổi về đảm bảo an ninh nguồn nước, lượng thực, năng lượng, quản lý nguồn nước đô thị, quản lý bền vững nguồn nước lưu vực sông, vệ sinh môi trường nước... Bài học kinh nghiệm và thực tiễn trong quản lý nguồn nước tại châu Á và châu Âu, ứng phó các thảm hoạ liên quan đến nước, hợp tác các khu vực trong quản lý các nguồn nước xuyên biên giới.
Quan hệ đối tác Á – Âu hướng tới đảm bảo nguồn nước bền vững cho mọi người dân, đề xuất biện pháp cụ thể tăng cường đóng góp 2 châu lục Á – Âu vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong xây dựng và triển kai chương trình nghị sự phát triển sau 2015, trong đó có mục tiêu nước toàn cầu.
Dự kiến hội thảo sẽ thông qua báo cáo trình các khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Asem lần thứ 12 tại Luxembourg vào tháng 11.2015 và hội nghị cấp các Asem lần thứ 11 (Mông Cổ, năm 2016).
Theo: http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/tphcm-doi-mat-nguy-co-can-kiet-nguon-nuoc-ngam-570182.html
0nhận xét:
Đăng nhận xét