Các đôi vợ chồng bất hạnh không nên bị ''ràng buộc'' bởi quá khứ
Quá trình vô hiệu hóa hôn nhân hiện nay giống với ‘ngành khảo cổ hôn nhân’
Linh mục William Grimm
Cuộc tranh luận sôi nổi tại Thượng Hội đồng Ngoại thường về Gia đình bế mạc gần đây, được Đức Tổng Giám mục của Tokyo Takeo Okada miêu tả là “sôi sục”, bàn về việc Giáo hội từ chối cho những người ly dị tái hôn lãnh nhận bí tích Thánh Thể.
Trong bài bình luận gửi cho tờ tuần báo Công giáo quốc gia Nhật Katorikku Shimbun, đức cha nói “các nghị phụ theo một trong hai xu hướng. Một xu hướng mong muốn mục vụ, mang lại niềm an ủi, động viên, giúp đỡ và hy vọng cho các gia đình bị tổn thương… Mặt khác, một số vị nhấn mạnh cần tăng cường cam kết và chuyển tải giáo huấn của Đức Kitô”.
Những người phản đối việc nới lỏng lề luật trích dẫn lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mc 10,10-12, được sửa đổi và giảm nhẹ trong sách Mátthêu) nói tái hôn sau khi ly dị là ngoại tình.
Trong số những vị khăng khăng đòi tuân giữ đúng từng lời dạy của Chúa Giêsu (mặc dù chưa hề có sách nào ghi chép Chúa Giêsu từng nói cho phép hay không cho phép người ta lãnh nhận bí tích Thánh Thể) là những hồng y có ảnh trên internet đeo cappa magna, áo choàng đỏ có mũ trùm đầu viền làm bằng lông chồn hay lụa được cắt ngắn từ 15 mét xuống còn 7 mét vào năm 1952 và thường không còn nhìn thấy trong các cửa hàng quần áo của Giáo hội sau Công đồng Vatican II. Ban đầu chiều dài của chiếc áo có ý dùng để che phần đuôi con ngựa được giám mục hay hồng y cưỡi. Được biết một chiếc áo như thế có giá hàng ngàn Mỹ kim.
Rõ ràng, những hồng y này đã tìm cách làm cho cách ăn mặc của họ tương thích với lời Chúa Giêsu nghiêm khắc phê phán tính phô trương của các lãnh đạo tôn giáo áp đặt những gánh nặng cho người khác (Mt 23, 2-7).
Dường như họ nghĩ trong khi một số đoạn Kinh Thánh buộc phải tuân theo từng chữ, một số đoạn có thể xem là lý tưởng dành cho những người thánh thiện dũng cảm, một số đoạn chỉ là gợi ý và một số đoạn cần bỏ qua. Có lẽ họ tự cho mình cái quyền quyết định phân loại mệnh mệnh trong Kinh Thánh.
Một số người tìm cách cho phép những người từng đổ vỡ trong hôn nhân có cơ hội chia sẻ đầy đủ cuộc sống của cộng đồng Công giáo lưu ý cách làm của Giáo hội Chính thống, họ có thể dành một thời gian sám hối sau khi kết hôn lần hai hay thậm chí lần ba.
Tuy nhiên, điều này bỏ qua một thực tế đó là đôi khi hôn nhân tan vỡ nhưng không có người nào phải chịu trách nhiệm cả.
Thay vì sám hối, có thể việc cần làm là dành cho họ một quãng thời gian hay thậm chí là một nghi thức nuối tiếc những hy vọng đã tan biến, vì cuộc sống chung đã kết thúc vì bất kỳ lý do gì.
Đàn ông và phụ nữ phát triển và thay đổi suốt đời mình, và đôi vợ chồng nói lên lời thề ước trước đây có thể trở thành những con người khác so với những người được kết hợp trong hôn nhân.
Bất kỳ mối quan hệ thật sự nào cũng đều được liên tục tái khẳng định. Hôn nhân cũng vậy. Mỗi ngày và bằng vô số cách, vợ chồng cần nhắc lại lời thề ước của mình. Nhưng đôi khi việc làm này không thể thực hiện được hay thậm chí làm cách khinh suất, khi bạo lực gia đình dưới hình thức nào đó tồn tại trong cuộc sống chung của họ.
Mặc dù nỗ lực hết mình, sự kết hợp của họ có thể không còn phải là một bí tích tình yêu, nhưng là một chuỗi ngày thất vọng, tức giận, đau khổ và tuyệt vọng. Đôi khi, cuộc sống chung của họ trở thành một chỗ tra tấn về tinh thần, tâm lý, xã hội và thậm chí là thể xác. Chúa có kết hợp và giúp họ kết hợp vì chuyện này không?
Nếu không như thế, thì Giáo hội có thể xem hôn nhân như là cái cùm xích người ta lại với nhau dù mang lại lợi ích cho họ, cho người khác (con cái của họ, chẳng hạn) hay không.
Việc này làm suy yếu lời công bố hôn nhân là bí tích về mối quan hệ của Đức Kitô với Giáo hội, che bóng cho các cuộc hôn nhân tiếp tục trưởng thành và phát triển. Những cuộc hôn nhân như thế có thể là dấu chỉ tốt đẹp hơn, khi đó không còn ai nghi ngờ về quyền tự do của dấu chỉ, mối quan hệ này.
Cách làm hiện nay về việc tuyên bố vô hiệu hóa hôn nhân giống với tham gia ngành khảo cổ hôn nhân, nhìn lại từ lúc cuộc hôn nhân bắt đầu để đào bới bằng chứng một người hay cả hai người không thể hay không bằng lòng kết hôn trước đó. Nó phụ thuộc vào sự hợp tác không phải luôn luôn có và không phải luôn luôn khả thi của nhiều người khác nhau – chính đôi vợ chồng, gia đình, bạn cũ, …
Thay vì chỉ xem xét quá khứ, tại sao chúng ta không nhìn vào hiện tại để xem là những con người đó có thể sống theo hôn ước nữa không? Họ có phải bị ràng buộc bởi quá khứ, vì những người (thời còn trẻ) không còn nữa không?
Nói cách khác, như hiện nay có thể tuyên bố một cuộc hôn nhân vô hiệu hóa vì nó thực sự chưa bao giờ xảy ra trước đây, có thể tuyên bố vô hiệu hóa dựa trên mối quan hệ đó có thể đã đi đến hôn nhân vào một thời điểm nào đó giờ đã không còn được như thế nữa.
Giống như sau khi vợ hoặc chồng chết người kia có thể tái hôn mà không ảnh hưởng đến khả năng chia sẻ đời sống bí tích của Giáo hội, thì cũng nên chấp nhận trường hợp quan hệ vợ chồng, hôn nhân, đã chấm dứt.
(Linh mục William Grimm từ Tokyo, UCAN 07.11.2014)
Linh mục William Grimm thuộc dòng Maryknoll chịu trách nhiệm xuất bản của ucanews.com sống ở Tokyo.
0nhận xét:
Đăng nhận xét